Đình Văn Trong

11/04/2023 07:30

(BNP) - Đình Văn Trong, xã Phú Hoà, huyện Lương Tài vốn được khởi dựng từ lâu đời. Năm 1950, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đình đã bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1997, nhân dân địa phương đã góp công, góp của xây dựng lại ngôi đình như hiện nay.

Khuôn viên đình Văn Trong.

Ðình Văn Trong nằm vị trí phía Ðông Nam của làng với tổng diện tích là 3.834 m2. Ðình có mặt chính quay theo hướng Tây Nam. Phía Bắc giáp khu dân cư, phía Nam giáp chùa, phía Ðông và phía Tây giáp cánh đồng làng quanh năm xanh tốt.

Toà Đại đình.


 

Đình Văn Trong thờ Thành hoàng làng là 5 vị Tiến sĩ triều Lê là: Tiến sĩ Ngô Sở Ngọc, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi Mậu Tuất năm Hồng Đức 9 (1478); Tiến sĩ Nguyễn Tinh, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu năm Hồng Đức 24 (1493) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Lại khoa đô cấp sự chung; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quan, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Hồng Thuận 3 (1511), ông được bổ nhiệm tới chức Tự khanh và hàng chánh ngũ phẩm; Tiến sĩ Đoàn Sư Đức, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Giáp Tuất thứ 6 (1514), ông làm quan đến chức Thượng thư; Tiến sĩ Nguyễn Tranh, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1580, ông làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

 Hoành phi có niên đại thế kỷ XX.

Các ông đều là người địa phương, tuy làm quan có chức tước cao trong triều đình nhưng các ông vẫn liêm khiết, làm đúng bổn phận của mình, giữ gìn truyền thống đạo lý. Khi mất các ông được triều đình ban tặng, nhân dân địa phương tôn thờ ở đình làm Á thần để ghi nhớ công ơn và là tấm gương sáng cho các thế hệ người làng Văn Xá noi theo.

Đình có kiến trúc chữ Đinh (J), khung đình hoàn toàn bằng gỗ lim, 3 gian 2 chái, 2 dĩ, mở cửa bức bàn 3 gian chính. Vì giữa kiểu con chồng giá chiêng, vì nách kiểu cốn mê, xà nách con chồng, bẩy bào soi kỹ lưỡng, có chạm nổi trên các bức cốn, kỹ thuật chạm khắc điêu luyện.

Trên các cấu kiện gỗ được chạm khắc tỉ mỉ.

Ngăn cách giữa Đại đình và Hậu cung là bức cửa cấm làm bằng gỗ, mở cửa ngách hai bên. Hậu cung có kiến trúc đơn giản, kiểu kèo kìm, là nơi tối linh thờ Thánh nên được bài trí tôn nghiêm. Phía trong cùng xây bệ gạch cao, bên trên đặt ngai thờ sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm khắc tỉ mỉ theo đề tài tứ linh, tứ quý.

Bia đá có niên đại thời Lê.

Các tài liệu hiện vật tiêu biểu gồm: 01 Bia đá, thời Lê; 02 Bài vị, 01 Giá văn thời Nguyễn; 01 Kiệu rước, 01 Hương án, 01 bộ Bát biểu, 01 Hoành phi, 01 đôi Câu đối, 05 Ngai, 03 Bài vị, 01 Lư đồng, 01 Mâm đồng, có niên đại thế kỷ XX.

Cổng đình Văn Trong nhìn từ phía trong.

Đình Văn Trong là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong thôn. Trải qua thăng trầm lịch sử, tại di tích hiện nay còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị, mang tính chất nghiên cứu, bảo tàng nói về lịch sử, nhân vật có công của địa phương.

Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 161/QĐ-CT ngày 8/02/2002.

H.H