“Kỹ sư chân đất” cải tiến trong sản xuất nông nghiệp

31/12/2020 21:00

(BNP) - Mới chỉ học hết lớp 6 và cũng không qua bất kỳ trường lớp dậy nghề nào về chế tạo máy, nhưng với sáng kiến cải tiến dàn phay lên luống trong sản xuất nông nghiệp, anh nông dân Phùng Văn Nam, sinh năm 1981, thôn Hương Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài là một trong 68 cá nhân vừa được vinh danh “Nhà Khoa học của nhà nông” lần thứ Ba, năm 2020 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Anh Phùng Văn Nam bên sản phẩm dàn phay lên luống.

Con đường đến với nghề cơ khí của anh Nam trải qua rất nhiều “gập ghềnh”. Sau khi nghỉ học, anh Nam đi học nghề thợ mộc rồi sang nghề lò rèn, được một thời gian thì chuyển sang mua máy hàn để làm cửa xếp kim loại, mái tôn. Nhận thấy không hiệu quả, năm 2003, anh vào Sài Gòn làm nghề cơ khí, lắp đặt thang máy và đến năm 2005, về quê lập nghiệp, mở xưởng cơ khí chuyên thiết kế, lắp đặt thùng bệ ô tô, dựng mái lò gạch và tời vận thăng đưa gạch vào lò cho các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công ở các huyện Gia Bình và Lương Tài.

Năm 2013, Nhà nước có chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công cùng với việc nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc phát triển cây rau màu, trong khi máy cày lên luống phù hợp với từng mùa vụ, từng loại cây trồng hầu như không có. Sẵn có mối quen biết nên đầu năm 2014, anh Nam quay trở lại Sài Gòn tìm mua máy cày đi bộ và máy cày bốn bánh cũ của Nhật giá rẻ để mang về cải tiến kỹ thuật phù hợp với đồng đất quê hương.

Để nắm bắt nguyên lý, kỹ thuật động cơ, anh Nam thường xuyên tìm tòi trên mạng internet, nhất là các trang về máy phay lên luống của Nhật Bản. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, anh đưa máy ra cánh đồng chạy thử nghiệm để nắm bắt và khắc phục được các nhược điểm, đảm bảo người dân mua về dễ dàng sử dụng. Anh Nam chia sẻ: “Mỗi loại cây trồng thích ứng với mỗi dàn phay lên luống khác nhau, như trồng cà rốt, cây ăn lá thì rãnh phải sạch, má luống chặt, mặt luống phẳng; trồng dưa lê, dưa hấu thì mặt luống phải có độ chếch; trồng hành tỏi, luống phải cao... Rãnh sạch, má chặt có tác dụng thoát nước nhanh, không gây sạt lở, tránh cho cây trồng ngập úng khi gặp trời mưa kéo dài. Khác với các dòng máy khác lên luống nhỏ thì dàn phay lên luống của tôi có thể điều chỉnh được mặt luống rộng từ 1 - 1,4m.”

Bằng niềm đam mê, đến nay, anh Phùng Văn Nam sáng tạo nhiều máy móc tiện ích như: dàn phay lên luống gắn với máy cày đi bộ; dàn phay lên luống gắn với máy cày 4 bốn bánh; máy đào hố trồng cây... Trong đó, dàn phay lên luống cho vụ đông trồng hành, tỏi, ớt và dàn phay dành cho ruộng trồng thâm canh kết hợp trồng dưa hấu, dưa lê là những sản phẩm được người dân ưa chuộng. “Có những thứ không đo được bằng thước mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm”, anh Nam tự tin cho biết khi sản phẩm của mình mặc dù chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhưng vẫn đứng vững trên thị trường mà không lo bị lấy cắp ý tưởng.

Với thời gian chỉ từ 20 - 30 phút dàn phay của anh Nam đã lên luống xong được 01 sào để gieo trồng rau màu; chi phí thuê máy phay lên luống 01 sào chỉ hơn 100.000 đồng, trong khi làm thủ công phải thuê 4 lao động với giá từ 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày. Điều quan trọng nhất là từ khi sử dụng dàn phay lên luống đã tiết kiệm thời gian, giúp nông dân giảm chi phí lao động, tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình, anh Nam thường quay các video và đăng lên trên mạng internet, đồng thời, trực tiếp hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm phù hợp với địa hình, loại đất địa phương. Hiện nay, sản phẩm dàn phay lên luống của anh Nam đã có mặt tại 50 tỉnh, thành trên cả nước; bình quân mỗi tháng anh sản xuất và cung cấp khoảng 10 - 20 dàn phay với mức giá dao động từ 20 - 40 triệu đồng/dàn tùy theo loại, mức giá này chỉ bằng 1/2 giá trị máy phay lên luống 01 chức năng trên thị trường, lợi nhuận hàng năm đạt từ 300 - 500 triệu đồng.

Từ những kết quả đạt được, anh Nam vinh dự 02 năm liền được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm dàn phay lên luống của anh xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông” tỉnh Bắc Ninh lần thứ II, năm 2020.

S.T