Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật Nhà giáo
(BNP) – Sáng 9/10, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo.
Toàn cảnh hội nghị.
Tham gia buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh gồm có các ông, bà: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội; Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam; Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Lương Tài.
Các ông, bà ĐBQH tỉnh và Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tham gia buổi tiếp xúc cử tri.
Dự buổi tiếp xúc có các đồng chí: Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tiếp xúc cử tri.
Tại hội nghị, hơn 200 cử tri là cán bộ quản lý, giáo viên, chủ tịch công đoàn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nghe Đoàn ĐBQH tỉnh thông báo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và giới thiệu về dự án Luật Nhà giáo.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều, cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 07/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân phát biểu tại hội nghị.
Tham gia ý kiến vào dự án Luật, cử tri bày tỏ nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, cũng như các nội dung quy định tại dự thảo Luật. Các cử tri đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung: Bảo lưu thâm niên đối với giáo viên tại các trường học biệt phái đến công tác tại phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo; giảm tuổi nghỉ hưu với giáo viên trực tiếp đứng lớp, nhất là giáo viên mầm non; nghiên cứu chế độ bảo vệ nhà giáo, trong đó có quy định nghiêm cấm đăng tải thông tin và bình luận trên mạng xã hội khi chưa được cơ quan chức năng kết luận; nghiên cứu cơ chế tạo cơ sở cho giáo viên áp dụng các biện pháp kỷ luật phù hợp trong giáo dục học sinh; nghiêm cấm quảng cáo hoạt động giáo dục trên mạng xã hội mà chưa được kiểm chứng hoặc sai sự thật; sửa đổi, bổ sung nội dung quy định chế độ ngày công cho giáo viên đi làm trong thời gian nghỉ hè...
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thế Sơn điều hành nội dung lấy ý kiến vào dự án Luật.
Ngoài ra, nhiều ý kiến của cử tri tham gia vào quy định về tiền lương và phụ cấp; chế độ thôi việc đối với nhà giáo; xây dựng đội ngũ nhà giáo, sử dụng và phát triển đội ngũ nhà giáo; biên chế cơ quan quản lý ngành giáo dục đào tạo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo.
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hồng Phúc trả lời làm rõ một số ý kiến của cử tri.
Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm rõ quá trình xây dựng và tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự án Luật; ngành chức năng của tỉnh trả lời làm rõ ý kiến của cử tri liên quan đến vấn đề sáp nhập cơ sở giáo dục, chi trả hợp đồng giáo viên, nhân viên nấu ăn trong các cơ sở giáo dục, chế độ chính sách biệt phái đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Đại diện cử tri ngành Giáo dục phát biểu ý kiến.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Anh Tuấn thông tin nhanh về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2024, chúc mừng những thành tích đạt được trong năm học 2023 – 2024 của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu làm rõ quan điểm, chủ trương của tỉnh đối với phát triển sự nghiệp giáo dục và các ý kiến kiến nghị của cử tri về chính sách thâm niên đối với giáo viên biệt phái về làm nhiệm vụ quản lý giáo dục, vấn đề tự chủ, sáp nhập cơ sở giáo dục, biên chế ngành giáo dục, chế độ đối với giáo viên mầm non.
Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các cử tri ngành Giáo dục.
Đồng chí giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ và các huyện, thị xã, thành phố rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, đề xuất bố trí biên chế phù hợp; nghiên cứu các chính sách của Trung ương để vận dụng, ban hành chính sách của tỉnh về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp giáo dục trong tình hình mới. Các sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ, nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền./.