Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
(BNP) - Tiếp tục chương trình giám sát, chiều 5/4, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, những năm qua, trên cơ sở quy định của Nhà nước, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp, đảm bảo tiến độ đề ra. Hiệu quả hoạt động của các đơn vị được nâng lên, từng bước thực hiện tự chủ về tài chính, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân chủ trì buổi làm việc.
Tính đến hết ngày 31/12/2023, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập gồm 571 đơn vị, giảm 52 đơn vị so với năm 2015, giảm 32 đơn vị so với năm 2017, giảm 06 đơn vị so với năm 2021. Trong giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh Bắc Ninh đã giải thể 11 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.
Giai đoạn 2016 – 2021, toàn tỉnh đã cắt giảm 167 biên chế công chức, giảm 2.655 biên chế viên chức, giảm 82 hợp đồng lao động 68. Năm 2022, tỉnh tiếp tục cắt giảm 476 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế có một số khó khăn, vướng mắc. Tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành các văn bản quy định về quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị tự chủ; hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến tự chủ tài chính; hoàn thiện cơ chế khuyến khích xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, từng lĩnh vực; có Thông tư hướng dẫn, kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao, trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã giải trình, làm rõ hơn các nội dung đoàn giám sát nêu như: Đánh giá rõ thêm kết quả về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; việc tuyển dụng, thu hút nhân tài về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác thanh tra, kiểm tra trong từng lĩnh vực; việc thực hiện cơ chế tự chủ; công tác triển khai và hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục ngoài công lập; số lượng đơn vị xã, phường, thị trấn sáp nhập trong thời gian tới...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân đánh giá cao kết quả bước đầu của UBND tỉnh trong việc thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Bắc Ninh đã hoàn thành tinh giản biên chế giai đoạn 1 đến năm 2021.
Thời gian tới, đồng chí đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa việc đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang tự chủ 100%.
Nhấn mạnh thời gian tới việc tinh giản biên chế còn nhiều khó khăn, đồng chí đề nghị các đơn vị, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm trong triển khai thực hiện. Đối với việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập, quá trình triển khai cần căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo phát huy hiệu quả hoạt động đơn vị sau sáp nhập.
Đoàn giám sát ĐBQH tỉnh ghi nhận ý kiến đề xuất của UBND tỉnh; làm cơ sở tổng hợp báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.