Độc đáo nghi lễ hát thờ Quan họ
(BNP) - Dân ca Quan họ Bắc Ninh - loại hình nghệ thuật được coi là cốt lõi của văn hóa xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một trong những nét độc đáo của Dân ca Quan họ là nghi lễ hát thờ Quan họ vẫn được lưu truyền qua bao đời nay.
Các liền anh, liền chị trong buổi phục dựng nghi lễ hát thờ Quan họ tại đình làng Hoài Trung.
Khác xa với những hình thức hát dân ca khác, Quan họ là một loại hình nghệ thuật đạt tới trình độ cao về hình thức diễn xướng, lời ca và âm nhạc hòa quện với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội. Có thể chia hát Quan họ thành những dạng sau: Hát Quan họ ở hội, gọi là hát hội; hát Quan họ ở đám, gọi là hát mừng; hát Quan họ tại nhà giữa hai nhóm Quan họ trai gái mời nhau, gọi là hát canh; hát Quan họ ở cửa đình, cửa đền, gọi là hát thờ.
Có mặt tại đình thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du trong buổi phục dựng lại nghi lễ hát thờ Quan họ, chứng kiến và lắng nghe những thành viên của các CLB Quan họ: Hoài Trung, Viêm Xá, Châm Khê, Lũng Giang, Đào Xá, Đông Yên thể hiện các bài Quan họ, mới thấy được những giá trị đặc sặc của văn hóa Quan họ luôn được bảo lưu, thực hành qua các hoạt động của cộng đồng. Những câu hát Quan họ cổ lần lượt vang lên không có nhạc đệm, chỉ các liền anh, liền chị ngồi đối diện hát với nhau trong không gian văn hóa đình chùa.
“Thoạt chân em bước vào đình
Chắp tay lạy thánh hiển linh độ trì”
Nét đặc sắc trong hát thờ Quan họ chính là được thể hiện ở trong đình, đền, trong những ngày hội Xuân hoặc trong dịp thu tế. Tùy vào từng dịp lễ hội được tổ chức trong năm, thì hát Quan họ thờ lại có những đặc điểm và quy định khác nhau, tuy nhiên đây đều là hình thức Quan họ tham gia vào phần lễ của lễ hội. Hát thờ trong Quan họ để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và ca ngợi công đức của thành hoàng làng hoặc vị thánh được dân làng thờ trong đình, đền. Người Quan họ hát thờ cũng không quên cầu thành hoàng làng phù hộ cho tình bạn Quan họ ngày càng bền chặt, gắn bó keo sơn. Đặc biệt khi 2 làng Quan họ gốc làm các thủ tục kết bạn với nhau thì đều phải hát thờ ở đình 2 làng. “Bọn” Quan họ của làng này sẽ sang đình của “bọn” Quan họ ở làng khác để hát và ngược lại, nội dung hát thờ lúc này là cầu mong vị thần chứng giám và công nhận tình bạn của 2 làng Quan họ, để 2 làng Quan họ được đi lại, vui chơi và hát Quan họ danh chính.
Theo Nghệ sĩ ưu tú Phạm Đăng Mùi, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, canh hát thờ ngược lại với hát chúc, hát mừng, trong hát thờ thì Quan họ khách ca trước, Quan họ chủ đối sau (tức là tiền khách hậu chủ). Ở Quan họ thờ ca cả “bọn”, không hát riêng lẻ từng cặp một, thường kéo dài nửa tiếng, trong đó chỉ ca 5 giọng lề lối cơ bản: la rằng, tình tang, đường bạn, cái ả, cây gạo; không có hát giọng vặt, giọng giã bạn.
Là du khách đến từ Hà Nội vì yêu những câu dân ca Quan họ đã xuống đình Hoài Trung để nghe một canh hát trọn vẹn, anh Phạm Văn Trình chia sẻ: “Thực sự rất bất ngờ và tuyệt vời khi lần đầu tiên được chứng kiến các liền anh, liền chị phục dựng lại nghi lễ hát thờ trong Quan họ, đó là một hình thức hát đặc sắc và độc đáo trong không gian cổ kính nhưng tình người Quan họ luôn niềm nở, cử chỉ duyên dáng, gần gũi, thân thiện - đây là hình thức không có ở các loại hình dân ca khác”.
Cho đến bây giờ, những canh Quan họ truyền thống đã không còn xuất hiện nhiều như xưa. Thế nhưng cứ dịp đầu Xuân, trong các hội làng, đình đám, những anh hai, chị hai ở một số làng Quan họ gốc của vùng đất Kinh Bắc còn nặng lòng với nghề “chơi” Quan họ vẫn cố công duy trì một vài canh hát mộc theo lề lối như một cách bày tỏ tấm chân tình với những người yêu Quan họ và quan trọng hơn cả là để bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị Di sản văn hóa Quan họ trong cuộc sống đương đại./.