Độc đáo rối nước vùng Quan họ
(BNP) - Làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành nổi tiếng với nghệ thuật biểu diễn rối nước truyền thống. Khác với nhiều phường rối trong cả nước, nét đặc sắc và riêng có của nghệ thuật rối nước Đồng Ngư là hầu hết các tích trò đều sử dụng lời hát theo làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh - nét văn hóa đặc trưng của vùng quê Kinh Bắc.
Các nghệ nhân phường rối nước Đồng Ngư chuẩn bị con rối để biểu diễn.
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người Việt, lấy động tác của con rối làm ngôn ngữ diễn đạt, kết hợp với âm nhạc, nghệ thuật múa, phản ánh đời sống sinh hoạt ở các làng quê, những người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Theo thời gian, nghệ thuật rối nước được truyền từ đời này sang đời khác, dần dần trở thành thú vui tao nhã của người dân Việt trong các dịp lễ lớn, hội làng hay những ngày hội đầu xuân.
Theo chiều dài lịch sử: Múa rối nước Đồng Ngư có từ thời nhà Lý - Trần, cách đây hơn 800 năm. Trong thời kỳ chiến tranh, loạn lạc, cuộc sống khó khăn, nghề múa rối nước chìm dần vào quên lãng, chỉ còn trong ký ức của những bậc cao tuổi trong làng. Mãi đến năm 1986, người dân Đồng Ngư mới bắt đầu khôi phục lại nghề rối tổ truyền, chủ yếu phục vụ nhân dân trong các dịp lễ hội của làng với các tích trò như: Đốt pháo bật cờ, mời trầu, vào chùa, đánh đu, chăn trâu thổi sáo, úp nơm bắt cá... Đến nay, phường rối nước Đồng Ngư vẫn là 1 trong 14 phường rối dân gian truyền thống trong cả nước còn hoạt động với nhiều hình thức, tiết mục biểu diễn đặc sắc, phong phú.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung, Trưởng phường rối nước Đồng Ngư cho biết: Hiện nay, rối nước Đồng Ngư lưu giữ được 15 tích trò truyền thống, trong đó có hai tích trò tiêu biểu cho vùng Quan họ là: “Hái cau mời trầu” và “Quan họ giã bạn”. Đi biểu diễn khắp nơi, múa rối nước Đồng Ngư mang theo bản sắc quê hương đó là những làn điệu Dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm trữ tình, góp phần lan tỏa Dân ca Quan họ đến mọi miền Tổ quốc.
Có đến xem, tận mắt chứng kiến những chú rối thân gỗ tưởng như vô hồn nhưng lại "biết" trèo lên cây, hái cau đưa cho liền chị têm trầu, sau đó những liền anh khăn xếp áo the, liền chị trong tà áo mớ ba, mớ bảy, nón quai thao mời trầu khán giả... mới thấy hết sự khéo léo, tinh tế ở rối nước Đồng Ngư. Nghệ nhân Dung hào hứng cho biết: Khác với các phường rối khác, rối nước Đồng Ngư vừa sử dụng kỹ thuật rối dây và rối sào để tạo sự di chuyển linh hoạt các hoạt động của con rối. Trong đó, rối sào thường là dùng một cây tre, đầu có bộ phận chuyển động quân rối và các bộ phận trong thân hình nó, rối sào chỉ giữ và làm di chuyển toàn thân quân rối như đi lại, ra vào và xoay chuyển hướng đứng. Ở kỹ thuật rối dây thì phức tạp và khó hơn nhiều, đòi hỏi người biểu diễn phải có tay nghề kỹ thuật cao, điều khiển đưa rối ra xa sân khấu biểu diễn từ 5 - 7m mà không ảnh hưởng đến hoạt động của con rối. Hơn nữa rối dây có thể điều khiển cùng một lúc nhiều quân rối từ 2 - 8 quân rối. Rối Đồng Ngư có sự kết hợp giữa kỹ thuật dây với sào, nên tạo cho con rối hoạt động uyển chuyển linh hoạt và sống động. Trong quá trình biểu diễn, người biểu diễn đồng thời là người đọc lời thoại cho nhân vật, có sử dụng các nhạc cụ dân tộc như trống, tù và, mõ, đàn nguyệt, đàn tranh, thậm chí sử dụng nhạc sống cho nhiều tiết mục biểu diễn mới: nhào vòng, múa tứ linh, hát văn... tạo không khí vui tươi, sống động thu hút người xem biểu diễn.
Theo chiều dài lịch sử: Múa rối nước Đồng Ngư có từ thời nhà Lý - Trần, cách đây hơn 800 năm. Trong thời kỳ chiến tranh, loạn lạc, cuộc sống khó khăn, nghề múa rối nước chìm dần vào quên lãng, chỉ còn trong ký ức của những bậc cao tuổi trong làng. Mãi đến năm 1986, người dân Đồng Ngư mới bắt đầu khôi phục lại nghề rối tổ truyền, chủ yếu phục vụ nhân dân trong các dịp lễ hội của làng với các tích trò như: Đốt pháo bật cờ, mời trầu, vào chùa, đánh đu, chăn trâu thổi sáo, úp nơm bắt cá... Đến nay, phường rối nước Đồng Ngư vẫn là 1 trong 14 phường rối dân gian truyền thống trong cả nước còn hoạt động với nhiều hình thức, tiết mục biểu diễn đặc sắc, phong phú.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung, Trưởng phường rối nước Đồng Ngư cho biết: Hiện nay, rối nước Đồng Ngư lưu giữ được 15 tích trò truyền thống, trong đó có hai tích trò tiêu biểu cho vùng Quan họ là: “Hái cau mời trầu” và “Quan họ giã bạn”. Đi biểu diễn khắp nơi, múa rối nước Đồng Ngư mang theo bản sắc quê hương đó là những làn điệu Dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm trữ tình, góp phần lan tỏa Dân ca Quan họ đến mọi miền Tổ quốc.
Có đến xem, tận mắt chứng kiến những chú rối thân gỗ tưởng như vô hồn nhưng lại "biết" trèo lên cây, hái cau đưa cho liền chị têm trầu, sau đó những liền anh khăn xếp áo the, liền chị trong tà áo mớ ba, mớ bảy, nón quai thao mời trầu khán giả... mới thấy hết sự khéo léo, tinh tế ở rối nước Đồng Ngư. Nghệ nhân Dung hào hứng cho biết: Khác với các phường rối khác, rối nước Đồng Ngư vừa sử dụng kỹ thuật rối dây và rối sào để tạo sự di chuyển linh hoạt các hoạt động của con rối. Trong đó, rối sào thường là dùng một cây tre, đầu có bộ phận chuyển động quân rối và các bộ phận trong thân hình nó, rối sào chỉ giữ và làm di chuyển toàn thân quân rối như đi lại, ra vào và xoay chuyển hướng đứng. Ở kỹ thuật rối dây thì phức tạp và khó hơn nhiều, đòi hỏi người biểu diễn phải có tay nghề kỹ thuật cao, điều khiển đưa rối ra xa sân khấu biểu diễn từ 5 - 7m mà không ảnh hưởng đến hoạt động của con rối. Hơn nữa rối dây có thể điều khiển cùng một lúc nhiều quân rối từ 2 - 8 quân rối. Rối Đồng Ngư có sự kết hợp giữa kỹ thuật dây với sào, nên tạo cho con rối hoạt động uyển chuyển linh hoạt và sống động. Trong quá trình biểu diễn, người biểu diễn đồng thời là người đọc lời thoại cho nhân vật, có sử dụng các nhạc cụ dân tộc như trống, tù và, mõ, đàn nguyệt, đàn tranh, thậm chí sử dụng nhạc sống cho nhiều tiết mục biểu diễn mới: nhào vòng, múa tứ linh, hát văn... tạo không khí vui tươi, sống động thu hút người xem biểu diễn.
Biểu diễn múa rối nước Đồng Ngư tại Thư viện tỉnh thu hút đông đảo người dân, du khách.
Hiện nay, ngoài biểu diễn trong các dịp lễ hội của làng và các xã trong huyện, phường rối nước Đồng Ngư cũng đã tham gia biểu diễn tại nhiều Liên hoan sân khấu múa rối toàn quốc. Nổi bật là giải Nhất trong Liên hoan nghệ thuật múa rối tại Hà Nội năm 2002; giải Nhất Liên hoan múa rối nước tại Liên hoan múa rối ở Huế năm 2004; giải Nhì Liên hoan múa rối toàn quốc lần thứ nhất năm 2011 tại Hải Dương và được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các đơn vị như Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Cục nghệ thuật biểu diễn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam….
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung, với sự tâm huyết của các thế hệ người làng Đồng Ngư, nghệ thuật rối của làng đang phát triển tốt. Cùng với việc một số Công ty du lịch đã chọn Đồng Ngư là điểm đến trong chương trình du lịch của mình thì phường rối nước Đồng Ngư đang cộng tác với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam biểu diễn thường xuyên phục vụ du khách trong và ngoài nước. Gần đây, trong chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền diễn ra thường kỳ, nghệ thuật rối nước được đưa vào biểu diễn với mỗi sô diễn đều chật cứng người xem. Qua đó, thấy được sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo công chúng, khán giả.
Nhằm bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật độc đáo rối nước, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị múa rối nước làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh” với mục tiêu tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của môn nghệ thuật múa rối nước của làng. Đề án có thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2020, với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng. Sau khi có đề án, chính quyền địa phương đã cho xây dựng lại các công trình phục vụ biểu diễn rối nước như thủy đình, nhà văn hóa; các phường múa rối nước cũng được tài trợ kinh phí để đầu tư sân khấu, hệ thống âm nhạc, con trò…
Cũng như nhiều loại hình Di sản văn hóa phi vật thể khác, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển rối nước Đồng Ngư phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của tỉnh cùng với sự đón nhận tích cực của đông đảo người dân, du khách thì múa rối nước Đồng Ngư sẽ trường tồn trong đời sống cộng đồng, qua đó, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội bền vững./.