30 hiện vật được đề nghị là Bảo vật quốc gia
Bộ VHTTDL vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt I, năm 2012).
Tờ trình cho biết, sau nhiều lần xét chọn từ Hội đồng Khoa học ở cơ sở, tỉnh, thành phố và ngành, Bộ VHTTDL đã chọn, lập hồ sơ một số hiện vật tiêu biểu nhất gửi Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt I.
Trên cơ sở nhận được ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận Bảo vật quốc gia cho 30 hiện vật.
Ba mươi hiện vật trình Thủ tướng xem xét, quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt I năm 2012 gồm có: Trống đồng Ngọc Lũ (Văn hoá Đông Sơn), Trống đồng Hoàng Hạ (Văn hoá Đông Sơn), Thạp đồng Đào Thịnh (Văn hoá Đông Sơn), Tượng đồng hai người cõng nhau thổi kèn (Văn hoá Đông Sơn), Cây đèn đồng hình người quỳ (Văn hoá Đông Sơn). Văn hoá Chăm pa gồm có những hiện vật như Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu, Tượng Phật Đồng Dương, Tượng Bồ tát Tara, Tượng Nữ thần Devi (Hương Quế). Trong phần văn hoá Óc Eo gồm có những hiện vật: Tượng thần Vishnu, Tượng Phật Lợi Mỹ và Tượng thần Surya.
Ba mươi hiện vật trình Thủ tướng xem xét, quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt I năm 2012 gồm có: Trống đồng Ngọc Lũ (Văn hoá Đông Sơn), Trống đồng Hoàng Hạ (Văn hoá Đông Sơn), Thạp đồng Đào Thịnh (Văn hoá Đông Sơn), Tượng đồng hai người cõng nhau thổi kèn (Văn hoá Đông Sơn), Cây đèn đồng hình người quỳ (Văn hoá Đông Sơn). Văn hoá Chăm pa gồm có những hiện vật như Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu, Tượng Phật Đồng Dương, Tượng Bồ tát Tara, Tượng Nữ thần Devi (Hương Quế). Trong phần văn hoá Óc Eo gồm có những hiện vật: Tượng thần Vishnu, Tượng Phật Lợi Mỹ và Tượng thần Surya.
Trong giai đoạn lịch sử trung đại Việt Nam có những hiện vật: Tượng Phật A Di Đà (thời Lý), Ấn đồng “Môn Hạ Sảnh ấn” (thời Trần), Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (thời Lê sơ), Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (thời Lê Trung Hưng), Trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn), Bộ Cửu vị thần công (thời Nguyễn), Bộ Cửu đỉnh (thời Nguyễn). Nhóm hiện vật liên quan đến danh nhân gồm có: Cuốn “Đường Kách Mệnh” (tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Tác phẩm “Ngục trung nhật ký” - Nhật ký trong tù (tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17.7.1966), Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc Bác Hồ viết từ ngày 10.5.1965 đến ngày 19.5.1969). Trong giai đoạn lịch sử cách mạng có những hiện vật: Pháo cao xạ 37mm (súng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954), Máy bay MiG 21 F96, số hiệu 5121 (máy bay chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam trong trận “Điện Biên Phủ trên không”), Sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (sổ trực ban chép tay tình hình chiến sự Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 25.4 đến ngày 1.5.1975), Xe tăng T54, số hiệu 843 (tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30.4.1975), Xe tăng T59, số hiệu 390 (tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30.4.1975).
Để có được kết quả 30 hiện vật trình Chính phủ xem xét, công nhận là bảo vật quốc gia, Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ VHTTDL đã gút lại danh sách đề cử là 185 hiện vật của 22 đơn vị trong khắp toàn quốc. Và qua vài vòng họp, Hội đồng Giám định của Bộ VHTTDL đã chốt lại danh sách hơn 90 hiện vật để gửi Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định. Tiếp đó Hội đồng này đã tổ chức nhiều phiên họp, thậm chí có những buổi họp kéo dài hàng tiếng đồng hồ mới có thể đi đến được sự đồng thuận giữa các thành viên. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết đến thời điểm này về cơ bản danh sách đề cử hiện vật đã được các thành viên Hội đồng thống nhất, theo đó đề nghị Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận là bảo vật quốc gia đợt I. Những hiện vật nằm trong danh sách đề cử lần đầu tiên này Hội đồng nhận thấy đã thật sự tiêu biểu nhất cho các thời đại, các vùng miền văn hóa của cả nước.
“Bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí sau: a, là hiện vật gốc độc bản; b, là hiện vật có hình thức độc đáo; c, là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên…” (Theo khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa)
Nguồn:
BBN