An Thịnh đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

09/09/2019 14:46

(BNP) - Về An Thịnh những ngày này, có thể cảm nhận rõ những đổi thay trong diện mạo xã Nông thôn mới (NTM). Nằm dọc những tuyến đường được bê tông hóa là những ngôi nhà cao tầng mọc san sát. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố. Đường làng như được thay áo mới bởi các loài hoa nở rực rỡ từ ngõ ra tận ngoài cánh đồng.

Đường thôn xóm được bê tông hóa bên những đường hoa.

Xã An Thịnh nằm cách trung tâm huyện Lương Tài 10km về phía Đông Bắc, có tổng diện tích đất tự nhiên 1.011ha; dân số 4.160 hộ với 12.359 nhân khẩu. Người dân An Thịnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp và buôn bán tiểu thương.

Năm 2011, xã An Thịnh bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, ngành nghề phát triển chậm. Xác định xây dựng NTM là cơ hội thuận lợi làm thay đổi diện mạo nông thôn cũng như nâng cao chất lượng đời sống của người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền trong xã đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chủ động triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đưa An Thịnh đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018.

Một trong những nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện đó là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ nguồn ngân sách và nguồn vốn huy động, xã An Thịnh đã đầu tư xây dựng 11 công trình thuộc lĩnh vực giáo dục, giao thông, văn hóa với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa với tổng chiều dài hơn 70km; 7/7 thôn đều có Nhà văn hóa đạt chuẩn theo tiêu chí NTM; các trường học cấp Mầm non, Tiểu học và THCS đều đạt chuẩn Quốc gia.

Việc tạo cảnh quan môi trường nông thôn được chính quyền xã chú trọng, trong đó nêu cao vai trò của Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Ban Công tác mặt trận, Đoàn Thanh niên và nhân dân tham gia trồng hoa, cây xanh thay thế cỏ dại mọc ven đường trục thôn, đường liên xã. Định kỳ hàng tháng, không ai bảo ai, chị em trong các thôn đều gác lại công việc gia đình cùng nhau tham gia quét dọn vệ sinh và chăm sóc hoa dọc các tuyến đường trong thôn. Điều đáng mừng là không chỉ hội viên phụ nữ, các đoàn viên thanh niên, mà nhiều người dân trên địa bàn cũng tích cực tham gia làm sạch đường, sạch ngõ, chăm sóc cây, hoa khu vực cổng nhà và có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp.
 
Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM. Cấp ủy, chính quyền xã đã vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập; tích cực ủng hộ thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn, các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; đưa cơ giới vào sản xuất, nhất là khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch giúp nông dân giảm sức, ngày công lao động.
 

Cụm số 1 Trường Mầm non An Thịnh được đầu tư và trang bị đồng bộ, hiện đại.
 
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của huyện, chính quyền xã đã vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích sâu trũng, thường xuyên ngập úng, sản xuất một vụ hiệu quả thấp, sang mô hình nuôi trồng thủy sản trang trại tổng hợp, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, xã đã chuyển đổi hơn 60ha đất ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản, lúa – cá, cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm; hình thành và phát huy các vùng lúa chất lượng cao như: giống TBR 22, Bắc thơm 7; chuyển đổi 10 ha đất ruộng sang trồng giống ngô cung cấp cho Viện Nghiên cứu Ngô (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho thu nhập 3,5 triệu đồng/sào/năm.
 
Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã An Thịnh cũng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tập trung vào các lĩnh vực như mộc, sửa chữa ô tô, xe máy, điện tử, may gia công, kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc... đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về sản xuất và lưu thông, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương, đồng thời thu hút một lượng lớn lao động nông thôn, tạo công ăn việc làm cho lao động trong lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,25%. Trên địa bàn không còn hộ đói, hộ có nhà tạm; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
 
Là người trực tiếp thụ hưởng thành quả xây dựng NTM, bà Hán Thị Hòe (thôn Cường Tráng) chia sẻ: Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, người dân chúng tôi ai ai cũng phấn khởi. Nhờ có xây dựng NTM mà các trục đường bê tông trải dài đến tận cánh đồng, hệ thống kênh tưới, tiêu được cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất. Con cháu chúng tôi giờ được học tập, vui chơi dưới những mái trường đẹp và hiện đại. Từ người già đến trẻ nhỏ trong làng, ai ai cũng có thể đến Nhà văn hóa thôn để tham gia thể dục, thể thao và vui chơi.   

Dẫn chúng tôi đi trên con đường từ trụ sở UBND xã về thôn Cáp Thủy, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh chia sẻ, trong phong trào thi đua xây dựng NTM, khó khăn nhất là làm đường trong thôn vì đụng chạm đến nhiều người. Để hoàn thành tuyến đường này, cấp ủy Đảng, chính quyền cùng đại diện các đoàn thể trong xã, thôn đã phải nhiều lần đến từng hộ gia đình và vận dụng nhiều cách tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tháo dỡ các công trình ven hai bên đường. Được công nhận xã đạt chuẩn NTM như ngày hôm nay, địa phương đã bắt đầu từ công tác tuyên truyền, đi chậm mà chắc, chọn làm điểm, rút kinh nghiệm rồi mới nhân ra diện rộng.

Với mục tiêu xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, thời gian tới, xã An Thịnh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường, xây dựng các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp. Tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; quan tâm bảo đảm vệ sinh môi trường, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu hàng hóa trên địa bàn./.
M.B