Bắc Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp hoàn thành “mục tiêu kép”

26/08/2021 09:41

(BNP) – Sau đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai các phương án hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại, phục hồi phát triển sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. 

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Một “điển hình” về thực hiện mục tiêu kép

Nhìn lại cuộc chiến trong đợt dịch thứ 4 tại Bắc Ninh, dịch bệnh Covid-19 lây lan cả ở cộng đồng và các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, Bắc Ninh đã triển khai quyết liệt một loạt các giải pháp sáng tạo phù hợp với từng thời điểm, diễn biến của dịch bệnh. Đặc biệt chấp nhận khó khăn, thực hiện biện pháp chưa có tiền lệ, đó là đưa công nhân vào ăn, ở, làm việc tại nhà máy hoặc thuê địa điểm là ký túc xá, nhà nghỉ, khách sạn bên ngoài, nhưng bảo đảm “biệt lập”, hằng ngày có xe đưa đón công nhân độc lập. Yêu cầu các nhà máy giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%. Công nhân được yêu cầu xét nghiệm trước khi trở lại làm việc, sau đó 3 ngày và 7 ngày xét nghiệm lại để tầm soát nguy cơ. Công nhân tạm nghỉ việc ở các khu trọ được yêu cầu quản lý như F2 trong khu dân cư, bảo đảm chống dịch trong khi áp dụng Chỉ thị 16. Việc thực hiện hiệu quả biện pháp này đã giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, giảm thiệt hại cho tỉnh, cũng như các doanh nghiệp hàng tỷ đô la trong giai đoạn dịch bệnh.

Với nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt, Bắc Ninh đã hoàn thành “mục tiêu kép”, làm nên một “điển hình” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Toàn tỉnh hiện có 1.674 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh đạt 20,14 tỷ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 61,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,45% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt 16,02 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,88%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 35,2 tỷ USD, tăng 27,5%. Các tập đoàn lớn như: Samsung, Canon… vẫn duy trì sản xuất. Từ nay đến hết năm, các KCN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng 70.000 lao động để khôi phục hoàn toàn sản xuất.

Là một trong những doanh nghiệp nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh, ông George, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina (KCN Quế Võ) bày tỏ xúc động trước sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp đẩy lùi dịch Covid-19, giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, đặc biệt đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông George khẳng định, qua đợt dịch càng củng cố niềm tin đối với môi trường đầu tư của tỉnh và Bắc Ninh sẽ luôn là điểm đến đầu tiên trong các dự án mở rộng của Công ty. Thời gian tới, Công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất tại Bắc Ninh, với số vốn dự kiến tăng thêm khoảng 250 triệu USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina.

Đồng hành vượt khó, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Ngay sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, để giúp các doanh nghiệp bắt tay nhanh vào triển khai khôi phục sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới, tỉnh Bắc Ninh nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp đang gặp phải. Trong đó bám sát thực tế hoạt động của các doanh nghiệp để điều chỉnh linh loạt, giúp doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cùng lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp đến thăm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại với gần 200 doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước. Nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã được giải đáp và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Điển hình là việc cấp phép lao động và nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ thêm nguồn vắc xin để tiêm cho người lao động; hỗ trợ tìm nguồn lao động; giải quyết thủ tục hành chính; tiếp cận chính sách đất đai; sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn điều hành phiên đối thoại tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.

Nhằm tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã thành lập Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” hỗ trợ doanh nghiệp (Tư vấn hiệu quả nhất; Giải quyết nhanh nhất; Chống dịch an toàn nhất) do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn làm Tổ trưởng. Điều này càng khẳng định quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp “vững tâm cùng tỉnh vượt khó”, phục hồi sản xuất. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh 3 nhất để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Đến nay, chỉ tính riêng thông qua ứng dụng Zalo, Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” của tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hơn 20 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến vấn đề đi lại của công nhân, đưa đón chuyên gia về làm việc tại Bắc Ninh, tiêm vắc xin cho người lao động tại các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đã có 1.104 doanh nghiệp (chiếm 98,6%) trở lại hoạt động bình thường so với trước khi có dịch, với tổng số lao động hiện tại so với Quý 2 là 314.203 người (chiếm 98,03%) đã trở lại làm việc bình thường, lao động nước ngoài 7.216 người.

Với quan điểm “mỗi doanh nghiệp” là một “pháo đài chống dịch”, phát huy những thành quả chống dịch, duy trì chuỗi sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp, nguyên tắc chống dịch và tuyệt đối không tuyển lao động thời vụ. Đồng thời duy trì nghiêm việc tổ chức ăn 03 bữa cho công nhân tại nhà máy; thực hiện “2 địa điểm, 1 cung đường”. Thành lập các “Tổ hỗ trợ công nhân”, thiết lập hệ thống quản lý, bố trí người lao động theo 4 cùng (cùng ở - cùng đi làm - cùng làm phân xưởng/tổ - cùng ăn). Các khu lưu trú có Tổ an toàn Covid-19 quản lý, có camera giám sát ngăn chặn sự tiếp xúc từ bên ngoài và yêu cầu công nhân không ra khỏi nơi ở sau 21 giờ. Các doanh nghiệp phải sử dụng xe ô tô đưa đón tập trung người lao động đi lại hàng ngày giữa các tỉnh khác/thành phố khác (không áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg) với tỉnh Bắc Ninh (không sử dụng xe máy; hàng tuần xét nghiệm 100% số lao động đi lại hàng ngày về các tỉnh/thành khác). Bố trí nhân viên y tế (hoặc người đã được tập huấn) để lấy thêm mẫu test nhanh ngay tại cổng nhà máy đối với những người có nguy cơ cao  như: lái xe, nhân viên giao hàng, khách hàng từ tỉnh/thành khác...

M.B