Bắc Ninh phấn đấu là một trong các tỉnh đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi
(BNP) – Đây là một trong những mục tiêu nằm trong Kế hoạch số 322/KH-UBND thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục (PCGD), giáo dục bắt buộc (GDBB), xóa mù chữ (XMC) cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi ký, ban hành.
Tiết mục văn nghệ của các bé Trường Mầm non Phật Tích (huyện Tiên Du) trong lễ khai giảng năm học mới.
Theo Kế hoạch, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, đối với phổ cập mẫu giáo mầm non cho trẻ 5 tuổi, huy động 100% trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi ra lớp và được học 2 buổi/ngày; tất cả trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu là một trong các tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Về phổ cập giáo dục tiểu học, 100% trẻ em ở độ tuổi 6 tuổi vào lớp 1 và trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học; trên 99% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3. Đối với phổ cập giáo dục THCS, 100% số thanh niên, thiếu niên độ tuổi 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS; tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở mức độ 3…
Đối với XMC, trên 99,95% người trong độ tuổi 15 đến 60 biết chữ mức độ 1 và trên 99,9% người biết chữ mức độ 2; 70% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục. Tỉnh Bắc Ninh duy trì vững chắc chuẩn XMC mức độ 2.
Về phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, 100% trường THCS, THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp. Có ít nhất 15% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vừa học văn hóa, vừa học nghề trình độ sơ cấp hoặc liên kết đào tạo trình độ trung cấp tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCGD, GDBB, XMC cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Cùng với đó, đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, tiếp cận với chuẩn các nước tiên tiến. Thực hiện tốt việc liên kết giữa trường sư phạm với địa phương trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các cấp học.
Tăng cường tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh, có cơ hội tiếp tục học tập. Đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cân đối cơ cấu ngành nghề, phát triển giáo dục gắn với kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa gắn với quy hoạch tỉnh, ngành, địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường lớp, nhất là trường mầm non, nhà trẻ ngoài công lập tại các khu công nghiệp, khu đô thị đông dân cư trên địa bàn tỉnh.
Việc ban hành Kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, THCS với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học lựa chọn hướng đi phù hợp, tiếp cận nghề nghiệp và học tập suốt đời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.