Bắc Ninh sẽ dần thay thế từ xe buýt dùng nhiên liệu diezen sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh

24/09/2024 14:56

(BNP) - Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng ký ban hành Quyết định số 492/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Tỉnh Bắc Ninh sẽ thay thế từ xe buýt dùng nhiên liệu Diezen sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Theo Đề án, giai đoạn 2024 - 2030, mạng lưới tuyến xe buýt tỉnh Bắc Ninh bao gồm 13 tuyến xe buýt, trong đó có 07 tuyến xe buýt hiện có và 06 tuyến xe buýt mới mở (bao gồm: Bắc Ninh - Nội Bài (Tuyến số 07), Bắc Ninh - Yên Phong (BN04), Đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh) - KCN Khai Sơn (TX Thuận Thành) (BN05), Yên Phong - Thuận Thành (BN06), Yên Phong - Phố Mới (BN09), Nội thị Thành phố Bắc Ninh (BN10).

Thời gian hoạt động các tuyến buýt: 05h30-19h30, tần suất chạy xe của các tuyến buýt 15-25 phút/lượt vào giờ cao điểm và 25-35 phút/lượt vào giờ bình thường. Phương tiện chủ yếu là xe buýt trung bình. Ưu tiên dùng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các tuyến mới mở, đặc biệt là tuyến xe buýt liên tỉnh Bắc Ninh - Nội Bài và điều chỉnh thay thế từ xe buýt dùng nhiên liệu Diezen sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các tuyến đang khai thác, nhất là các tuyến xe buýt đi qua các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2030 - 2035 bao gồm 19 tuyến xe buýt, trong đó có 06 tuyến mới:  Thuận Thành - Quế Võ (BN11), Quế Võ - Yên Phong (BN12), Thuận Thành - Gia Bình (BN13), Từ Sơn - Thuận Thành (BN14), TP Bắc Ninh - Từ Sơn (BN15), TP Bắc Ninh - Thuận Thành (BN16).

Ở giai đoạn này, hoạt động xe buýt được mở rộng thêm, tần suất các tuyến được tăng lên để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Thời gian hoạt động các tuyến buýt từ 05h30 - 19h30, tần suất chạy xe của các tuyến buýt 10 - 20 phút/lượt vào giờ cao điểm và 20 - 30 phút/lượt vào giờ bình thường. Phương tiện chủ yếu là xe buýt trung bình sử dụng điện, năng lượng xanh.

Theo Đề án, tỉnh sẽ sớm đầu tư và hiện đại hóa các hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng theo từng giai đoạn bao gồm: điểm đầu - cuối, điểm dừng đỗ, bãi đậu xe qua đêm. Chú ý nâng cấp, cải tạo lối lên, xuống đảm bảo cho người cao tuổi, người khuyết tật, người khiếm thị đi lại được thuận lợi. Triển khai xây dựng và ứng dụng phần mềm App-bus; nghiên cứu và triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm đầu - cuối và nhà chờ xe buýt, kết hợp với thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt nhằm giúp cho các nhà quản lý giám sát chất lượng dịch vụ hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt với dữ liệu được truyền tải liên tục, trực tuyến về Sở Giao thông vận tải.

Mục tiêu của Đề án nhằm thiết lập mạng lưới tuyến vận tải hành khách hợp lý, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tạo lập hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ổn định với chất lượng dịch vụ tốt, cơ cấu giá thành hợp lý, đáp ứng hiệu quả nhu cầu vận tải giữa các huyện, thị xã, thành phố, phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

M.B