Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ họp phiên thứ Sáu
(BNP) – Chiều 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ Sáu của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả 10 tháng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm.
Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu Bắc Ninh.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh có đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Theo báo cáo tại phiên họp, 10 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 08 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; có 21/22 bộ, ngành và 61/63 địa phương công bố hơn 4.000 TTHC nội bộ; 05 địa phương phê duyệt phương án đối với 117 TTHC nội bộ, trong đó cắt giảm, đơn giản hóa 32 TTHC. Tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt gần 27%; các địa phương đạt gần 41%; việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt trên 82%, địa phương đạt 70%; 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh…
Đến ngày 10/10/2023, Bộ Công an đã cấp trên 83 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 64 triệu hồ sơ định danh điện tử; trong đó đã kích hoạt trên 379 triệu tài khoản; 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo ngay sau phiên họp.
Tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về công tác cải cách TTHC với một số kết quả nổi bật như: Tỷ lệ hồ sơ quá hạn thấp (chưa đến 0,01% tỷ lệ hồ sơ giải quyết); tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc phục vụ của công chức và cơ quan nhà nước trong giải quyết TTHC luôn ở mức cao; đã cắt giảm thời gian giải quyết đối với hơn 600 TTHC; 100% cấp huyện, xã cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, với hơn 100.000 hồ sơ hoàn thành.
Tại Phiên họp, các Bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, tham luận, trong đó tập trung đánh giá những kết quả nổi bật về kết quả xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; thực trạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; công tác thông tin tuyên truyền về CCHC; kết quả sắp xếp các đơn vị hành chính; sáng kiến và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, đảm bảo thể chế hiệu lực, khả thi; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; vai trò của công đoàn trong CCHC…
Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nhờ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực trên cả 6 nội dung của nhiệm vụ CCHC, nhất là sự đổi mới trong cải cách thể chế, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và sức lan tỏa của nhiệm vụ CCHC đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ 6 nội dung CCHC để tạo ra đột phá, nhất là cải cách TTHC cho người dân và doanh nghiệp tại cơ sở.
Rà soát, đổi mới phương thức, cách làm, thay đổi tư duy trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Thực hiện nghiêm việc người đứng đầu địa phương lắng nghe ý kiến, đối thoại với người dân. Đặc biệt lưu ý, khi xây dựng văn bản, các bộ, ngành cần rà soát kỹ phân cấp, phân quyền; rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
Đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh.
Ngay sau phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu các sở, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện đầy đủ, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các sở ngành đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, công khai kết quả chuyển đổi số trọng tâm của tỉnh hàng tháng để làm cơ sở cho các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Liên quan đến việc triển khai Đề án 06, giao Công an tỉnh (cơ quan thường trực của Đề án) bám sát tiến độ các nhiệm vụ Kế hoạch của UBND tỉnh để tham mưu tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án. Các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, tổng hợp, báo cáo và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân công.