Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh trong tháng 11 và 11 tháng năm 2022 như sau:
Trong 11 tháng qua, kinh tế của tỉnh chịu tác động từ kinh tế thế giới gia tăng khả năng suy thoái; lạm phát tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina…; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư, thu ngân sách,… gặp nhiều khó khăn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh, thực hiện nghiêm túc và triển khai có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Quốc hội, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025,… Vì vậy, dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được những kết quả khá tích cực, cụ thể một số kết quả nổi bật như sau: (1) Tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ, chăm lo sức khỏe cho người dân dù dịch bệnh hiện nay vẫn diễn biến khá phức tạp; (2) Các cân đối lớn được đảm bảo tốt như thu - chi ngân sách Nhà nước (bội thu ngân sách); xuất, nhập khẩu mặc dù chững lại (nhưng vẫn xuất siêu 5,59 tỷ USD); đảm bảo đủ điện, năng lượng và xăng, dầu trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp tiếp tục phát triển, cung - cầu lao động trong tỉnh được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tương đối tốt; (3) Kinh tế tiếp tục phục hồi: Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giữ ổn định; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số IIP 11 tháng tăng 8,73%; thương mại dịch vụ sôi động, phục hồi rất nhanh ở hầu hết các ngành: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng rất cao 39,9% so với cùng kỳ năm 2021; (4) Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tăng 7,6%. Thu hút vốn FDI đăng ký điều chỉnh tăng gấp gần 3 lần; (5) Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả khá tích cực: Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động gấp 1,9 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; (6) Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được tỉnh triển khai tích cực, hiệu quả; (7) Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, kịp thời xử lý các vấn đề an ninh, trật tự phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, thách thức và những hạn chế, bật cập như: (1) Tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, sức ép lạm phát cao; giải ngân đầu tư công trong tỉnh chậm được cải thiện, chưa có giải pháp đột phá; (2) Thu hút FDI đăng ký mới chưa được như kỳ vọng; (3) Hoạt động kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui và giải thể còn tăng cao so với cùng kỳ; (4) Tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp có xu hướng chậm lại; (5) Dịch Covid-19 vẫn tồn tại với sự xuất hiện của biến thể mới, nguy cơ bùng phát dịch cúm A, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ v.v… (6) Hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh; một số doanh nghiệp cắt giảm nhân công ảnh hưởng đến việc làm của người lao động… Do thời gian còn lại của năm 2022 chỉ còn 1 tháng để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của năm, điều này đỏi hỏi quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn. Vì vậy, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh cần phát huy tinh thần, chủ động, kịp thời, phối hợp chặt chẽ xử lý các vấn đề vướng mắc, tập trung thực hiện nhanh, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu đề ra.