Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với quy hoạch phát triển du lịch

07/08/2012 00:55
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không tách rời Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô; gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa hệ thống đô thị Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội, vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phát triển đô thị Bắc Ninh gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển dịch vụ-du lịch trên địa bàn tỉnh.
Lễ hội Đền Đô thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Theo thống kê, tỉnh Bắc Ninh hiện có 1.259 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 459 di tích được nhà nước xếp hạng, với 194 di tích cấp quốc gia và 265 di tích cấp tỉnh. Định hướng phát triển trên lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh là bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa gắn với phát triển Du lịch bền vững. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh: Đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và của cả nước. Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng GDP du lịch, dịch vụ; hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển, đảm bảo nguồn lực quan trọng phát triển đô thị Bắc Ninh trong tương lai.
Theo đó, Quy hoạch phát triển Du lịch xác định Bắc Ninh với hai không gian du lịch chính:
Một là: Không gian du lịch thành phố Bắc Ninh-thị xã Từ Sơn-Thuận Thành.
Hai là: Không gian du lịch phía Đông theo dải sông Đuống.
Trên cơ sở xác định 2 không gian chủ đạo đó, Quy hoạch các dự án du lịch đảm bảo yêu cầu phát triển đô thị sinh thái, văn hóa, dịch vụ hài hòa, hợp lý và đồng bộ trên toàn địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau:
1.Khu du lịch Miền Quan họ:
Xây dựng, phát triển Khu du lịch làng quê miền quan họ (làng Diềm hay làng Viêm Xá) có tầm cỡ vùng. Tại đây sẽ phát triển theo hướng khu du lịch văn hóa và sinh thái-Đảm bảo môi trường, sinh thái dọc tuyến sông Cầu và một vùng không gian phía Bắc đô thị Bắc Ninh, đồng thời với việc bảo tồn Di sản Văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh, các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của làng xã.
Xây dựng mô hình làng quê Việt kết hợp với xây dựng bảo tồn làng Quan họ gốc-Thủy tổ Quan họ, đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, các di tích liên quan tới chiến tuyến Như Nguyệt thế kỷ XI.
2. Khu du lịch Văn hóa-Vui chơi giải trí Đền Đầm
Mục đích nhằm khai thác lợi thế của đô thị Từ Sơn nằm kề cận Thủ đô Hà Nội, có hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật khá phát triển.
Ưu tiên đầu tư phát triển khu du lịch này bao gồm: Khu du lịch-vui chơi giải trí Đền Đầm gắn với Di tích đền Đô, Lăng sơn cấm địa nhà Lý và khôi phục cảnh quan sông Tiêu Tương; tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Xây dựng Khu phức hợp, gồm Khu vui chơi giải trí, khu văn hóa, thể thao, siêu thị có chất lượng cao; quy hoạch xây dựng Đền Đầm, khôi phục sông Tiêu Tương để đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị dịch vụ-sinh thái bền vững.
3. Khu du lịch Làng quê Việt Vạn Ninh (Gia Bình)
Khu du lịch Làng quê Việt Vạn Ninh, huyện Gia Bình được quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng xã tiêu biểu của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, kết hợp với các điểm du lịch dọc sông Đuống như: Đền và Lăng Cao Lỗ Vương; Lăng và Đền Kinh Dương Vương, Chùa Bút Tháp, Làng tranh Đông Hồ…
Quy hoạch, xây dựng xã Vạn Ninh với mô hình hoạt động du lịch nghỉ tại nhà dân. Khu vực này có thể phát triển thành khu du lịch với mô hình du lịch cộng đồng đặc thù của Bắc Ninh nói riêng và toàn vùng đồng bằng sông Hồng nói chung. Khu du lịch này sẽ nối với các chương trình tour du khảo đồng quê và tuyến du lịch trên sông Đuống từ lăng Kinh Dương Vương (Thuận Thành) đến bãi Nguyệt Bàn-đền Tam Phủ, xã Cao Đức, huyện Gia Bình. Phục hồi, bảo tồn và kết hợp khai thác du lịch của làng nghề ở khu vực phụ cận như làng tranh tre Xuân Lai, làng đúc đồng Đại Bái.
4. Khu du lịch sinh thái tâm linh Phật Tích (Tiên Du)
Quy hoạch, xây dựng khu du lịch trên có sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch sinh thái và tâm linh, phát triển trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo và mở rộng không gian chùa Phật Tích, đồng thời gắn kết với công tác quy hoạch trồng mới và bảo tồn cây xanh tạo thành khu sinh thái rừng phụ cận (Núi Lạn Kha-Tiên Du). Đây là điểm du lịch Văn hóa tâm linh và phát triển các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần cho du khách.
5. Khu du lịch văn hóa-đền Bà Chúa Kho, TP.Bắc Ninh
Quy hoạch, xây dựng khu du lịch này trở thành khu Du lịch lễ hội tín ngưỡng cấp quốc gia. Không gian của khu vực này cần được đầu tư mở rộng với điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Đền thờ, lễ hội Bà Chúa Kho và những điều kiện về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ nhằm phát triển các dịch vụ du lịch cần thiết có liên quan đến hoạt động lễ hội và giới thiệu cho khách về những giá trị đích thực của đền Bà Chúa Kho.
Phát triển các loại hình dịch vụ du lịch tham quan di tích, dịch vụ nhà nghỉ cuối tuần, dịch vụ hát thuyền Quan họ trên sông cầu, Công viên quan họ trong khu vực đồng Trầm.
6. Không gian lễ hội Lim, Tiên Du
Quy hoạch, xây dựng phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc và mang tính cộng đồng cao của Lễ hội Lim. Theo đó cần được đầu tư tương xứng với tầm vóc là nơi du khách được trải nghiệm và hiểu được những giá trị văn hóa phong phú của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đây là loại hình du lịch trải nghiệm và hiểu được những giá trị văn hóa phong phú của đặc trưng lễ hội truyền thống, sự lan tỏa và trường tồn của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
7. Khu du lịch-vui chơi giải trí-thể thao hiện đại quy mô vùng tại núi Dạm, Nam Sơn, TP.Bắc Ninh
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa của Chùa Dạm-đại danh lam thắng cảnh trên núi Dạm được xây dựng từ năm 1086 đến năm 1094; Trên diện tích hơn 300 ha đất cần quy hoạch xây dựng tạo lại cảnh quan núi sông, để thu hút và phục vụ khách du lịch văn hóa tâm linh. Ngoài ra, các khu vực khác thuộc hệ thống núi Dạm cần được quy hoạch đầu tư cảnh quan và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc kêu gọi là thực hiện đầu tư xây dựng các khu du lịch văn hóa tâm linh tái hiện lại nền văn minh Đại Việt thời Lý.
8. Khu du lịch-đô thị Rồng Việt, Cao Đức, Gia Bình
Trên cơ sở giá trị di tích lịch sử của Bãi Nguyệt Bàn, Bến Bình Than, quy hoạch xây dựng khu du lịch vui chơi giải trí và mua sắm có quy mô lớn không chỉ của Bắc Ninh mà còn của toàn vùng.
Xây dựng khu du lịch, đô thị trở thành trung tâm giao lưu văn hóa của các nước, với những dịch vụ vui chơi, giải trí hiện đại, các trung tâm thương mại cao cấp, nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng tiêu chuẩn trên 5 sao... Hình thành khu Bán đảo với các công trình kiến trúc hiện đại như dinh thự, biệt thự, căn hộ nằm giữa khu sinh thái thiên nhiên của vùng lục đầu giang.
9. Khu du lịch đền và Lăng Kinh Dương Vương, Thuận Thành
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cấp quốc gia của Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương-Thủy tổ của người Việt, là điểm hành hương về với Tổ tiên nước Việt. Kết hợp với công tác quy hoạch xây dựng, tạo cảnh quan môi trường sinh thái bên bờ sông Đuống nhằm tạo điểm nhấn du lịch Bắc Ninh trong tương lai.
Trên diện tích đã được quy hoạch gần 40 ha phải tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tôn tạo, mở rộng, nâng cấp và phát huy giá trị của di tích gốc; gắn kết với quy hoạch và phát huy giá trị của hệ thống các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Thuận Thành như: Chùa Bút Tháp, Chùa Dâu, Thành cổ Luy Lâu, Lăng Sỹ Nhiếp và Làng tranh dân gian Đông Hồ.
10. Các chương trình tour du khảo đồng quê và tuyến du lịch dọc sông Đuống từ Bãi Nguyệt Bàn (Gia Bình) đến Đền và Lăng Kinh Dương Vương (Thuận Thành)
Kết nối các điểm du lịch hấp dẫn, đặc trưng trên hai địa bàn để tạo ra một chương trình tour du lịch hấp dẫn vùng Kinh Bắc. Do vậy bên cạnh việc đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như bến Nguyệt Bàn, bến Bình Than, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương..., cần nghiên cứu đầu tư quy hoạch các tuyến giao thông đường bộ, đường sông dọc sông Đuống, để tạo được các điều kiện thuận lợi cho Du lịch phát triển.
Từ định hướng 2 không gian du lịch chủ đạo và 9 khu du lịch trên địa bàn tỉnh và sự kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và kết nối vùng cho thấy phát triển Du lịch của Bắc Ninh không thể tách rời việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa, các di sản văn hóa. Việc quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phải tính đến các định hướng phát triển không gian dịch vụ-Du lịch. Đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan, các ngành hữu quan cần quan tâm nghiên cứu đưa nội dung quy hoạch đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Ninh gắn với phát triển du lịch phù hợp với các định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 "Văn hiến, văn minh, bản sắc, hiện đại, sinh thái, bền vững".
Võ Thị Thúy Hằng
Nguồn: BBN