Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
(BNP) - Chiều 21/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo Sở KH&ĐT và các đơn vị liên quan dự Hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ KH&ĐT đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình, từ đó tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 707,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 509 nghìn lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, giảm 19,8% về vốn đăng ký và giảm 1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt hơn 1.350 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ KH&ĐT cũng đã quyết liệt giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ, ngành. Tính đến ngày 10/7/2023, Bộ đã hoàn tất xử lý 166/177 kiến nghị, đạt 94%, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bộ, ngành và cả nước.
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, một số địa phương đã nêu lên những khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Từ đó, đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định trong thời gian tới…
Để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng Quốc gia, có tính liên vùng, liên Quốc gia và hạ tầng đô thị lớn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.