Ca trù sau 2 năm trở thành di sản
Bắc Ninh cái nôi văn hóa đặc sắc, xứ sở của đình, đền, chùa, quê hương của hội làng với các loại hình nghệ thuật chèo, tuồng, trống quân, ví đúm…
Tại liên hoan ca trù toàn quốc 2011, cụ Nguyễn Thị Thiệp của đoàn Bắc Ninh (thứ ba từ phải sang) vinh dự là một trong 12 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Ca trù.
Đặc biệt, năm 2009, Bắc Ninh vinh dự là tỉnh duy nhất trên cả nước có 2 di sản được ghi danh: Dân ca Quan họ là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, Ca trù là Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn, phát huy giá trị của những di sản một cách hiệu quả, cùng với 14 tỉnh, thành trong cả nước, Bắc Ninh đang chung tay, góp sức khôi phục lại môn nghệ thuật độc đáo Ca trù.
Theo ghi chép của cụ Đỗ Trọng Vỹ trong công trình nghiên cứu “Bắc Ninh dư địa chí”, ca trù đã để lại khá nhiều dấu ấn trên đất Bắc Ninh. Cuối thế kỷ XIX, Bắc Ninh có nhiều làng, xã có nghề hát ca trù, hay còn gọi là hát Ả đào. Tiêu biểu như làng Thanh Tương (tục gọi là Kẻ Tướng) thuộc xã Thanh Khương (Thuận Thành) hát ca trù chuyên nghiệp, đã đi vào câu ca: “Tư Thế bút mực làm giàu/ Trà Lâm mổ lợn, uốn câu làng Dàn/ Nấu chì đã có Văn Quan/ Kẻ Tướng đi hát kiếm quan tiền dài”…
Ở làng Tiểu Than (xã Vạn Ninh, Gia Bình), dòng họ Nguyễn Thiết có nghề hát cô đầu từ rất lâu đời. Tuy nhiên, sau năm 1945, nghệ thuật hát ca trù dần vắng bóng, chỉ còn một số nghệ nhân vẫn thường xuyên duy trì hoạt động để phục vụ những ngày lệ sự, hội hè, đặc biệt là ngày giỗ cụ ca công. Những chứng tích về ca trù như: Nhà thờ thánh, đàn cổ, bia đá và các đạo sắc phong của các vương triều dành cho dòng họ ca công… được lưu giữ cẩn thận.
Ở làng Bảo Tháp (Đông Cứu, Gia Bình), người ta cũng tìm thấy một số tài liệu, chứng tích chứng tỏ nghệ thuật hát ca trù có từ nhiều thế kỷ trước ở đây. Ngoài các địa điểm trên thì ở Bắc Ninh từng có giáo phường ca trù Tiên Du, hát ca trù ở thành phố Bắc Ninh cũng “một thời vang bóng”.
Qua các tài liệu nghiên cứu cho thấy, hát ca trù ở Bắc Ninh xưa có đủ các hình thức: hát cửa đình, hát cửa quyền, hát thi, hát quán, hát tại gia… Tuy nhiên hát cửa đình ở Bắc Ninh là hình thức hát phổ biến phục vụ cho việc tế thần cầu phúc trong các lễ hội. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử, có lúc tưởng chừng như không thể tồn tại nhưng với sức sống mãnh liệt, bền bỉ, ca trù vẫn được cả thế giới ghi nhận và tôn vinh.
Chung tay với cả nước, thời gian qua, Bắc Ninh cũng đã có nhiều cố gắng có thể xem là thành công bước đầu trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản hát ca trù. Cụ thể như tổ chức các liên hoan văn nghệ người cao tuổi, các hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm, trong đó kịp thời động viên các tiết mục hát ca trù của các nghệ nhân và khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập hát ca trù. Khuyến khích các nghệ nhân tham gia truyền dạy kỹ thuật hát ca trù cho các địa phương có nhu cầu học tập môn nghệ thuật độc đáo này. Mặt khác, đề nghị các địa phương nhân rộng số lượng CLB và đặc biệt là nhân rộng số người biết và hát ca trù, để ca trù thực sự có sức sống và lan tỏa trong cộng đồng.
Theo thống kê mới nhất, Bắc Ninh hiện có 3 CLB ca trù thường xuyên hoạt động (tăng 1 CLB so với năm 2009) là CLB Thanh Khương (Thuận Thành), CLB Ca trù Tiểu Than (Gia Bình) và CLB Ca trù Đông Tiến (Yên Phong). Từ hơn 10 hội viên năm 2009, đến nay toàn tỉnh tăng lên gần 150 hội viên. Những CLB này đến nay hoạt động khá đều đặn thu hút được nhiều người tham gia. Đặc biệt phải kể đến vai trò truyền dạy của các nghệ nhân cao tuổi như Nguyễn Thị Thiệp, Nguyễn Trọng Lộ, Nguyễn Văn Thỉnh. Với niềm đam mê, trách nhiệm, họ thường xuyên truyền dạy cho các thành viên trong CLB Thanh Khương và cũng như các CLB Tiểu Than, Đông Tiến.
Đến nay, các CLB ca trù đều hoạt động theo lịch, mỗi tuần các thành viên tập trung học 2-3 buổi. Trong đó, CLB Tiểu Than được đánh giá là có tiềm năng phát triển hơn cả với số hội viên tham gia ngày càng đông và chất lượng hoạt động ngày càng đạt hiệu quả. Điều đáng mừng, rất nhiều học sinh thích tham gia sinh hoạt tại CLB đều tiếp thu rất nhanh với giọng hát đầy triển vọng như Nguyễn Thị Lam (20 tuổi), Trần Thị Hà và Nguyễn Thị Nga (13 tuổi) ở CLB Tiểu Than, Nguyễn Thị Thanh Tân (18 tuổi) ở CLB Thanh Khương… Nhờ đó hi vọng khôi phục lại nghệ thuật hát ca trù cho quê hương ngày một gần hơn.
Vừa qua, tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011 do Viện Âm nhạc Việt Nam kết hợp với Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, CLB Ca trù Thanh Khương là đại diện của tỉnh tham dự với hai tiết mục ở thể loại hát thi của ca nương Thanh Tân và Kim Tuyến, góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh về ca trù Việt Nam. Vinh dự cho Bắc Ninh có cụ Nguyễn Thị Thiệp là một trong 12 người toàn quốc được phong tặng Nghệ nhân dân gian ca trù.
Ông Nguyễn Đình Cấn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Với sự quan tâm của toàn xã hội, ca trù đang dần hồi sinh, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong nhân dân. Là môn nghệ thuật độc đáo, đặc sắc nhưng rất khó, nên ca trù không thể ngày một, ngày hai tìm lại được vị trí trong đời sống văn hóa, văn nghệ phong phú của người dân hôm nay. Những người có thể truyền được nghề bài bản quá ít, trong khi những người yêu thích ca trù, tâm huyết với việc kế thừa và bảo tồn di sản chưa nhiều. Tuy nhiên, với thế mạnh là xứ sở của đình, đền, chùa, lễ hội, Bắc Ninh có rất nhiều thuận lợi trong giúp ca trù hồi sinh, nhất là loại hình hát cửa đình. Nếu phát huy được, ca trù sẽ trở thành một “đặc sản” của mảnh đất văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Vẫn biết, trước những kết quả còn khiêm tốn và hành trình bảo tồn còn lắm gian nan, chúng ta vẫn tin tưởng, với sự quan tâm, khuyến khích của các cấp, các ngành và sự cố gắng của các nghệ nhân thì ca trù vẫn sẽ được trao truyền, tìm lại được vị trí vốn có.
Nguồn:
BBN