Chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia – Bia Tĩnh Lự thiền tự bi
(BNP) - Bảo vật Quốc gia – Bia Tĩnh Lự thiền tự bi, niên đại 1648, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 41/QĐ-TTg, ngày 23/1/2023, hiện được lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình).
Bảo vật Quốc gia Bia Tĩnh Lự thiền tự bi.
Theo Việt sử lược, chùa Tĩnh Lự được xây dựng năm Ất Mùi (1055), là ngôi chùa đầu tiên do vua Lý Thánh Tông xây dựng. Năm 1645, chùa Tĩnh Lự được chúa Trịnh Tráng trùng tu, mở rộng, công việc hoàn thành năm 1648, lúc này ông cho dựng bia Tĩnh Lự thiền tự bi để ghi chép công việc trùng tu.
Phần mái che của tấm Bia.
Bảo vật Quốc gia - Tĩnh Lự thiền tự bi là hiện vật gốc, mang tính độc bản được chúa Trịnh Tráng cho khắc dựng sau khi việc trùng tu chùa đã hoàn thành. Bia và nhà bia được tạo tác hết sức công phu, mang nhiều giá trị về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật và hình thái kiến trúc.
Mặt ngoài của tấm Bia được trạm nổi các nhóm hoạt cảnh về con người và hình tượng rồng, mây để tạo điểm nhấn.
Bia có kết cấu 4 phần gồm: Đế bia, tấm bia (khắc minh văn), hai tấm phù điêu (chạm hoạt cảnh) và mái che. Điểm nhấn của bia nằm ở hai bức phù điêu, chạm hai hoạt cảnh khác nhau nhưng cùng một đề tài “cầu hiền”. Một bên chạm tích vua Thành Thang cử người cầu Y Doãn đang ẩn cư ở đất Hữu Sằn, một bên chạm tích vua nhà Chu phái người cầu Khương Tử Nha (Lã Vọng) đang câu cá trên sông Vị Thủy.
Mặt phía Đông Bắc của tấm bia chạm khắc hình rồng đang vần vũ trong mây.
Nội dung trên văn bia cho thấy đây là một tấm bia lớn, được dựng vào ngày tốt tháng 8 năm Phúc Thái 6. Hai mặt trước và sau đều có khắc văn bằng chữ Hán, trong đó, mặt trước của bia khắc bài văn mang tên: "Tĩnh Lự thiền tự bi", toàn bộ nội dung ngữ văn khắc 40 dòng bia (tính dọc từ trên xuống dưới) nói về việc tu tạo chùa dưới thời Lê - Trịnh (1648), với quy mô to lớn, lộng lẫy, được sự bảo trợ quan tâm, đầu tư của triều đình.
Mặt phía Đông Nam được trạm trổ hoạt cảnh các hình người ở bên dưới.
Mặt sau của bia khắc bài văn mang tên "Công đức tín thí", nội dung được khắc trên 49 dòng (tính từ trên xuống dưới) ghi lại rõ niên đại dựng bia và tấm lòng của các tín chủ công đức tiền của vào việc xây dựng chùa.
Trên thân tấm Bia được khắc ghi chép về việc trùng tu, mở rộng quy mô chùa Tĩnh Lự.
Ngoài giá trị về mỹ thuật, kiến trúc, nội dung văn bia cung cấp cho ta rất nhiều giá trị về việc nghiên cứu lịch sử trùng tu, mở rộng chùa Tĩnh Lự. Qua tư liệu về tư liệu thành văn (sử sách, văn bia) và chứng tích khảo cổ học có thể thấy chùa Tĩnh Lự qua các triều đại đều được triều đình quan tâm, qua đó thể hiện vị trí "quốc tự" rất rõ ràng.
Chùa Tĩnh Lự.
Như vậy, bia Tĩnh Lự thiền tự bi là một hiện vật đặc biệt là chứng tích cho sự phát triển huy hoàng của chùa Tĩnh Lự với tính chất là một ngôi quốc tự, một đại danh lam đương thời.