Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2024

01/07/2024 07:00

(BNP) – Từ tháng 7/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Điều chỉnh mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức; tích hợp nhiều giấy tờ trên VNeID; liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, thẻ bảo hiểm y tế...

Quốc hội biểu quyết thống nhất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7.

Tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng

Tại nghị quyết kỳ họp thứ 7 thông qua sáng 29/6, Quốc hội đồng ý cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở từ ngày 1/7. Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ 1/7.

Với các đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát toàn bộ khung pháp lý để có cơ sở trình cấp thẩm quyền quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan cho phù hợp trước 31/12/2024. Phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ 1/7 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù sẽ được bảo lưu.

Giảm thuế VAT 2%

Cũng tại Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội chốt kéo dài thời gian áp dụng thuế VAT 8%, tức giảm 2% so với hiện hành, tới hết năm nay. Tương tự các lần trước, việc hạ 2% thuế VAT áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này, gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc kéo dài thời gian giảm thuế 2% tới cuối năm nay dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng một tháng). Tính chung, ngân sách ước tính giảm 47.500 tỷ đồng cả năm.

Tích hợp giấy phép lái xe, căn cước trên VNeID

Theo Thông tư 28/2024/TT-BCA được Bộ Công an ban hành ngày 29/6, ngoài hình thức bản giấy, người tham gia giao thông có thể trình cảnh sát giao thông các loại giấy tờ sau qua ứng dụng VNeID: Giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực.

Còn tại Nghị định 69/2024 có hiệu lực từ ngày 1/7, Chính phủ quy định căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng một tính năng, tiện ích trên tài khoản VNeID của công dân. Hình thức hiển thị của căn cước điện tử sẽ do Bộ trưởng Công an quy định.

Căn cước điện tử được cấp cùng lúc cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân Việt Nam. Người đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì Bộ Công an có trách nhiệm tạo lập và hiển thị căn cước điện tử cho họ trên VNeID từ ngày 1/7.

Văn bản này cũng nêu rõ căn cước điện tử có giá trị pháp lý như thẻ căn cước bản cứng. Căn cước điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Thông tin lịch sử về việc sử dụng căn cước điện tử cũng được lưu trữ trên hệ thống trong thời hạn 5 năm kể từ thời điểm sử dụng.

Liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, thẻ bảo hiểm y tế

Người dân có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi cùng lúc trên cổng dịch vụ công, bắt đầu từ ngày 1/7.

Nghị định 63/2024 quy định liên thông điện tử 22 nhóm thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.

Theo đó, người dân giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử không phải nộp bản giấy. Phương thức xử lý được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các thủ tục hành chính thực hiện liên thông có giá trị pháp lý như các hình thức khác và không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức.

Thông tin trong tờ khai điện tử nếu đã có trong Cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, bảo hiểm sẽ được phần mềm dịch vụ công liên thông điền tự động. Hồ sơ, biểu mẫu điện tử của từng thủ tục cũng được phần mềm dịch vụ công liên thông tự động phân tách để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Bốn cấp xác thực giao dịch trực tuyến ngân hàng từ ngày 1/7

Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng hiệu lực từ ngày 1/7. Trong đó, xác thực trong thanh toán trực tuyến ngân hàng trên Internet (gồm Internet Banking và Mobile Banking) sẽ chia làm bốn cấp độ, từ đơn giản tới phức tạp.

Đơn giản nhất là giao dịch loại A, khách hàng chỉ cần xác thực bằng tên đăng nhập, mật khẩu hoặc mã PIN, và không bắt buộc xác thực tại bước thực hiện giao dịch nếu đã đăng nhập trước đó. Hình thức này chỉ được áp dụng với các giao dịch tra cứu thông tin; chuyển tiền trong cùng ngân hàng, cùng chủ tài khoản hoặc giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ dưới 5 triệu đồng.

Chuyển tiền cho người khác, cho dù cùng hay khác ngân hàng; chuyển tiền, nạp, rút tiền với ví điện tử dưới 10 triệu đồng mỗi lần và dưới 20 triệu đồng mỗi ngày phải xác thực bằng các hình thức OTP, nhận dạng sinh trắc học gắn với thiết bị cầm tay, hoặc bằng chữ ký điện tử an toàn. Giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị 5-100 triệu đồng trong một lần hoặc một ngày giao dịch cũng phải áp dụng cấp độ này.

Sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc tài khoản định danh điện tử thuộc về hai cấp độ giao dịch C và D. Yêu cầu xác thực này áp dụng với việc chuyển từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng số tiền chuyển các lần trong ngày quá 20 triệu, giao dịch hàng hóa - dịch vụ trên 100 triệu đồng.

Triển khai lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Luật gồm 5 Chương 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo quy định của luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (công an cấp xã) giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã (Lực lượng này được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có bao gồm: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng).

M.B