Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự hội thảo “Cao Lỗ - Danh tướng thời dựng nước”
Ngày 16-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự hội thảo “Cao Lỗ-danh tướng thời dựng nước”. Hội thảo diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đồng tổ chức.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội thảo.
Đến dự còn có các đồng chí: Trần Văn Túy, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Nhân Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đông đảo các nhà nghiên cứu và gia tộc dòng họ Cao.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh các đơn vị đã phối hợp tổ chức hội thảo “Cao Lỗ-danh tướng thời dựng nước” và khẳng định: đây là hội thảo có ý nghĩa nhằm tôn vinh công đức của Tướng quân Cao Lỗ, của những bậc tiền nhân có công trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời để rút ra những bài học lịch sử cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay của nhân dân ta. Đó là đạo lý truyền thống của dân tộc ta, là nền tảng văn hóa tinh thần làm nên sức mạnh vô địch, sức sống trường tồn của đất nước ta.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Cao Lỗ Vương là một danh tướng đã giúp vua An Dương Vương dựng lên nhà nước Âu Lạc, đã hiến kế giúp nhà vua rời Đô xuống đồng bằng, xây thành Cổ Loa và sáng chế ra nỏ Liên Châu – một vật bắn ra được nhiều mũi tên đã được dân gian xem là nỏ thần… Tướng Cao Lỗ có tầm nhìn xa, tỉnh táo, cảnh giác thể hiện bản lĩnh của vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ đầu dựng nước, được nhân dân ta sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Tuy đã ở cách chúng ta hơn 2 thiên niên kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, song cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Cao Lỗ vẫn luôn sống mãi trong tâm trí mọi người Việt Nam qua các thời đại với muôn vàn màu sắc vừa lịch sử, vừa huyền thoại vô cùng phong phú.
Với sự tham gia nghiên cứu và báo cáo tham luận của nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực: sử học, khảo cổ, dân tộc, ngôn ngữ học, quản lý văn hóa… hội thảo đã tập trung khai thác, phân tích về hoàn cảnh lịch sử, các yếu tố cơ sở tạo nên con người và sự nghiệp của danh tướng Cao Lỗ trong bối cảnh dựng nước thời vua An Dương Vương, đồng thời đi sâu nghiên cứu về mối quan hệ giữa lịch sử và những huyền thoại, truyền thuyết bao quanh nhân vật Cao Lỗ. Một số tham luận tại hội thảo đã khẳng định rõ vai trò, công lao của danh tướng Cao Lỗ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nhà nước Âu Lạc, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử cho công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự hội thảo, đồng thời bày tỏ sự vui mừng và vinh dự được phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Sử học Việt Nam cùng tổ chức hội thảo khoa học “Cao Lỗ - Danh tướng thời dựng nước”. Đồng chí khẳng định, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương và những biện pháp tích cực để quản lý, sử dụng và phát huy giá trị của các di tích thờ danh nhân Cao Lỗ...
Sau hội thảo này, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ về cả tinh thần và vất chất của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành T.Ư cùng những tấm lòng sùng kính thiêng liêng đối với lịch sử dân tộc; mong các nhà khoa học sẽ giải mã huyền thoại để tìm lịch sử, làm sáng tỏ vai trò của Cao Lỗ Vương trong thời kỳ dựng nước và giữ nước. Qua đó, giúp địa phương có những giải pháp hữu hiệu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của quê hương, dân tộc.
Kết luận hội thảo, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, để phát huy kết quả hội thảo, việc đầu tiên sẽ biên soạn và in sách về danh tướng Cao Lỗ Vương để phổ biến trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ. Đề nghị các cơ quan quản lý văn hóa cần có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa đối với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp Cao Lỗ, đặc biệt là tại quê hương thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Danh tướng Cao Lỗ không chỉ là một nhân vật lịch sử mà phải được tôn vinh như một biểu tượng văn hóa, biểu tượng của sự cấu kết cộng đồng, biểu tượng của tài năng và trí tuệ nhân dân. Hình tượng Cao Lỗ để lại nhiều bài học quý đến nay vẫn còn nguyên giá trị: về sự cảnh giác trước âm ưu thâm độc của kẻ thù, về sách lược dùng người tài, biết lắng nghe tiếng nói, sự can gián của trung thần và quan trọng là giữ được lòng dân…
Nguồn:
BBN