Chùa làng Đại Lai

11/03/2020 14:03

(BNP) - Chùa làng Đại Lai (Ngọc Hoàng tự) nằm ở phía Đông thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình được xây dựng quy mô lớn vào đầu thế kỷ XVIII với nhiều hạng mục công trình, trải qua thời gian và chiến tranh, chùa đã nhiều lần tu bổ, sửa chữa, đến nay tòa Tam bảo và Thượng điện còn nguyên kiểu kiến trúc thời Nguyễn.

Chùa làng Đại Lai.

Tam bảo gồm 5 gian 2 dĩ được làm bằng gỗ lim, kiến trúc vì kiểu giá chiêng, lợp ngói mũi, đầu hồi xây gạch, phía trước gian giữa là hệ thống cửa vuông ở hai bên đầu hồi của Tam bảo đặt 7 pho tượng hậu tạc bằng đá xanh, tạo tác từ thế kỷ XVIII. Phía trên của Tam bảo có treo hệ thống hoành phi như: “Ngọc Hoàng thiền tự”; “Uy túc phong vân” và “Khí cao tinh hán”.
 
Nối với gian giữa Tam bảo là 3 gian Thượng điện kết cấu vì kiểu kẻ truyền, giá chiêng. Phía sau Thượng điện là 5 gian thờ Mẫu mới được tu bổ sửa chữa. Ngoài ra ở phía Đông khu Chùa là hệ thống nhà phụ và nhà thờ Tổ, mới được khôi phục năm 1996.
 
Hiện nay trên thượng lương của Tam bảo còn ghi “Khải Định nguyên niên tuế thứ Bính Thìn thập nguyệt thập nhất nhật thụ trụ thượng lương đại cát” nghĩa là thời gian dựng Chùa vào ngày 11 tháng 10 năm Bính Thìn, thời vua Khải Định thứ 1 (1916).
 
Chùa còn lưu giữ một đôi sấu đá, 3 bia đá tạc vào các năm 1711, 1773, 1867, một cây hương đá tạc năm 1737, một chuông đồng “Ngọc Hoàng tự chung” đúc năm 1797. Ngoài ra còn có một số hiện vật có giá trị khác như: hoành phi, câu đối, biểu gỗ, bát hương, đỉnh đồng…
 
Với những giá trị cơ bản, 
ngày 10/3/2003, Chùa Ngọc Hoàng được UBND tỉnh quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tổng hợp