Chùa làng Hoài Thị (Đại Bi tự)
(BNP) - Theo lời các cụ cao niên, chùa làng Hoài Thị (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) có tên chữ là Đại Bi tự, được xây dựng từ năm 1081 và từng nổi tiếng là danh lam cổ tự. Truyền rằng từ thời Lý, chùa đã là nơi các vương hầu quý tộc triều đình tìm đến tham quan chiêm ngưỡng, tụng kinh lễ phật và học đạo.
Lối vào chùa làng Hoài Thị.
Trong thời kỳ kháng chiến, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1996 chùa được trùng tu lại với quy mô nhỏ hơn xưa trên nền đất cũ và tồn tại từ đó đến ngày nay. Hiện nay, chùa tọa lạc trên mảnh đất bằng phẳng ở giữa làng có diện tích đất 720m2, bên phải chùa là đình làng, phía trước là ao nhỏ nằm trong khuôn viên di tích, phía ngoài là trục đường giao thông chính của thôn.
Tòa Tam bảo.
Bên trong gian thờ chính.
Chùa là nơi thờ Phật và Công chúa Đống Long, bao gồm các công trình: Tam bảo và nhà phụ trợ di tích.
Hệ thống tượng phật được thờ tại chùa.
Tam bảo có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm Tiền đường 5 gian, bộ khung gỗ xoan, 3 hàng cột dọc và 4 hàng cột ngang được liên kết với nhau bởi các bộ vì. Vì nóc giá chiêng, vì nách kẻ chuyền, trang trí hoa lá cách điệu, trên bức cốn trang trí tứ quý.
Trên bức cốn trang trí tứ quý, trang trí hoa lá cách điệu.
Hệ thống cửa thượng song hạ bản, mở cửa 3 gian giữa, 2 gian bên xây kín trổ cửa sổ chữ thon tròn.
Hoành phi, câu đối thế kỷ XX.
Thượng điện 3 gian gồm 3 cột dọc và 2 cột ngang được liên kết với nhau bởi các bộ vì, quá giang gác tường, mái lợp ngói ta.
Hệ thống cửa thượng song hạ bản.
Cũng như những ngôi chùa khác, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng ở chùa làng Hoài Thị được tổ chức hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng. Ngày này dân làng thường đến chùa để làm lễ dâng sao, cầu bình an cho toàn thể dân làng, thu hút rất đông phật tử và quý khách thập phương.
Gian thờ Quan Thế Âm Bồ Tát tại chùa.
Phía trước chùa là ao nhỏ nằm trong khuôn viên di tích.
Chùa là công trình tôn giáo tiêu biểu của nhân dân địa phương. Nơi đây còn bảo lưu hệ thống cổ vật, di vật tiêu biểu có giá trị về nhiều mặt. Đây cũng là trung tâm sinh hoạt trong đời sống tinh thần của nhân dân góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng mối đoàn kết cộng đồng dân cư.
Chùa làng Hoài Thị được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 23/6/2020.