Chùa Đổng Lâm - nơi giáo hoá những đạo lý cao đẹp của đạo Phật

20/09/2022 07:00

(BNP) – Chùa Đổng Lâm (Bảo Phúc tự), xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình, được xây dựng vào khoảng thời Lê Trung Hưng (TK XVII) với quy mô lớn. Chùa xưa là nơi các tăng ni trong vùng đến học hạ hàng năm; nơi giáo hoá những đạo lý cao đẹp của đạo Phật cho các phật tử trong vùng.

Cổng Chùa Đổng Lâm.

Hiện nay, chùa Đổng Lâm toạ lạc trên khu đất đẹp nằm ở xứ đồng Chùa, phía Nam làng Đổng Lâm. Công trình kiến trúc chính là tòa Tam bảo quay theo hướng Nam. Theo nhân dân địa phương, nguyên xưa chùa có hướng Bắc nhìn ra sông Bội (sông Móng), sau này khi tu bổ chùa, nhân dân mới chuyển thành hướng Nam như hiện nay.

Tòa Tam bảo của Chùa.

Kiến trúc bên trong tòa Tam bảo. 

Chùa Đổng Lâm hiện bao gồm các công trình: Tam bảo, Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Giảng đường. Tiền đường và Thượng điện tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh. Tiền đường gồm có kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong”. Hệ chịu lực gồm 6 bộ vì tạo thành 5 gian, kết cấu kiểu “vì kèo”, quá giang gác tường.

Nhà Mẫu đang được xây dựng mới gồm 5 gian bộ khung gỗ nằm ở vị trí phía sau tòa Tam bảo.

Mái Chùa được thiết kế theo kiểu truyền thống.

Hệ thống cửa bức bàn, mở cửa 3 gian giữa, hai gian bên xây kín, mái ngói ta. Thượng điện gồm 2 gian. Bộ khung bằng gỗ tứ thiết, mỗi bộ vì 2 hàng chân cột, kết cấu kiểu “vì kèo” xà nách gác tường đơn giản. Hai bên tường hồi và hậu được xây kín, phía trước thông với Tiền đường.

Nhà Tổ được xây dựng năm 2012 gồm 3 gian, kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc”. Bộ khung gỗ, mái lợp ngói, kết cấu bộ vì theo kiểu “vì kèo” quá giang gác tường, phía trước mở 03 cửa ở ba gian theo kiểu cửa ván ghép.

Chuông đồng “Bảo Phúc tự hồng chung” đúc năm 1828 thời Minh Mệnh 9.

Bức tường cổ trong khuôn viên Chùa còn được giữ lại đến ngày nay.

06 tấm bia cổ được đặt trong sân chùa.

Phía trước tòa Tam bảo là 2 tháp mộ, xen với cánh đồng lúa tạo nên quang cảnh cổ kính, yên bình.

Nhiều công trình, đồ vật cổ được nhà chùa gìn giữ đến ngày nay.

Trong di tích còn lưu truyền nhiều tài liệu, hiện vật cổ thời nhà Lê, Nguyễn gồm: Một chuông đồng “Bảo Phúc tự hồng chung” đúc năm 1828; 3 tấm bia hậu Phật khắc năm 1820, 1826, 1914; cây hương đá dựng năm 1680 và 15 pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao.

Chùa Đổng Lâm được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, Quyết định số 1034/QĐ-UBND ngày 17 tháng 09 năm 2013.

H.Y