Chùa Phúc Sơn
(BNP) - Chùa Phúc Sơn (Linh Quang tự) tọa lạc tại phường Phúc Sơn, thành phố Bắc Ninh, vốn được khởi dựng từ lâu đời là trung tâm thờ Phật của nhân dân địa phương. Căn cứ vào các tài liệu, chùa được trùng tu xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê niên hiệu Vĩnh Trị 4 (1679).
Tòa Tam Bảo.
Các ban thờ trong Tòa Tam Bảo.
Trải bao sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, chùa đã bị xuống cấp nặng nề. Năm 1942, chùa được tu bổ lớn. Năm 2002 tiếp tục tu sửa. Chùa được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá - Quyết định số 143/QĐ-UBND, ngày 01/02/2016.
Nhà thờ Tổ.
Nhà thờ Mẫu.
Chùa Phúc Sơn có các công trình kiến trúc, gồm: Tam bảo (Tiền đường 5 gian 2 dĩ; Thượng điện 2 gian 1 dĩ); nhà Tổ (Tiền bái 7 gian; Hậu cung 1 gian); nhà Mẫu 3 gian và nhà ở của tăng ni... Kết cấu hệ chịu lực được làm bằng gỗ lim, với 6 bộ vì có cách thức liên kết khác nhau kiểu con chồng giá chiêng, vì nách theo kiểu “Kẻ ngồi”. Bốn bộ vì giữa có 3 hàng chân cột (trốn cột cái phía trước và cột quân phía sau). Nối với gian giữa Tiền đường là Thượng điện 2 gian, 1 dĩ. Kết cấu vì nóc kiểu “Vì ván mê” gác thẳng lên trụ gạch, không có câu đầu.
Bia Hậu phật bi ký niên đại Cảnh Thịnh 8 (1800).
Chuông Linh Quang tự chung niên đại Khải Định 6 (1921).
Chùa Phúc Sơn là công trình tôn giáo tiêu biểu của nhân dân địa phương. Nơi đây còn bảo lưu hệ thống cổ vật, di vật tiêu biểu có giá trị về nhiều mặt, như: Bia đá, chuông đồng, hệ thống tượng phật…. Đây cũng là trung tâm sinh hoạt trong đời sống tinh thần của nhân dân góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng mối đoàn kết cộng đồng dân cư.
Vườn tháp - Nơi đặt xá lỵ của các sư tổ kế thế trụ trì ở chùa.
Cổng chùa.
Quyết định xếp hạng di tích của Chủ tịch UBND tỉnh.
Chùa Phúc Sơn có các ngày sự lệ: 15 tháng Giêng, mùng 3 tháng 3, 15 tháng 7. Ngoài ra, còn có ngày vào hè (15 tháng 4), ngày ra hè (15 tháng 7), ngày giỗ tổ (7 tháng 2). Trong những ngày này và các ngày tuần Rằm, Mồng một hàng tháng, đông đảo phật tử địa phương tới chùa dâng hương, lễ phật cầu may.