Di tích cấp tỉnh Chùa Chân Khai

14/12/2022 07:30

(BNP) – Chùa Chân Khai (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du) là di tích có từ lâu đời, tọa lạc bên sườn núi Đông Sơn trên một khu đất rộng ở trung tâm của làng. Từ khi khởi dựng đến nay, dù đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính thâm nghiêm, các công trình kiến trúc và hệ thống tượng pháp, đồ thờ tự có nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật, thẩm mỹ.

Cổng chùa Chân Khai.

Theo nội dung văn bia “Trùng phúc tu huệ bi” dựng năm 1673 thì trước đó Đệ nhị cung tần Lương Thị Ngọc Ninh (quê ở xã Yên Hòa, huyện Ý Yên, phủ Nghĩa Hưng) là Thị nội trong phủ Nguyên Vương và Đệ nhị cung tần Đào Thị Vương đã công đức tiền của xây dựng chùa với nhiều công trình kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” đồ sộ, cảnh quan u tịch.

Tòa Tiền đường. 

Gian thờ chính bên trong tòa Tiền đường. 

Chùa là nơi thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu. Chùa còn thờ Tam tòa thánh mẫu (mẫu Thiên, mẫu Địa, mẫu Thủy) và đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Khác với các ngôi chùa trong vùng, chùa Chân Khai vừa là nơi thờ Phật, vừa là nơi thờ Thành hoàng làng Lê Viên Giác linh thông đại vương, Thủy thần Vũ Trạch đại vương và danh nhân khoa bảng của địa phương là Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên.

Tượng thờ Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên.

Tượng thờ Thành hoàng Lê Viên Giác. 

Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, vào thời Lê - Trịnh, có một vị tướng là Lê Viên Giác lánh nạn về ở ẩn trên núi Đông Sơn. Lúc đầu ở tại khu hòn đá gốc thông rồi khu nghè thượng, sau vào ở khu chùa Chân Khai. Khi ở trong chùa, ông có nuôi một con khỉ vàng thường xuyên quấn quýt với chủ. Nhưng trong một lần đi vắng dài ngày, ông vẫn để xích làm khỉ bị đói, khi trở về, con khỉ đã cắn vào cổ ông đến chết, sau đó mối đùn thành mộ. Dân làng cho đó là thiên ý mới tìm hiểu biết được thân thế của ông rồi tôn ông làm thành hoàng, tạc tượng thờ ở chùa Chân Khai

Bộ Tam thế, Di đà tam tôn và tượng Ngọc Hoàng thời Nguyễn được thờ tại chùa.

Tòa Cửu long thế kỷ XX trong chùa.

Còn Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên, đỗ Đệ nhị giáp khoa thi thái học sinh năm Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên 1 (1400) đời Hồ Quý Ly. Ông làm quan tới chức Quốc Tử Giám tư nghiệp, sau thăng Quốc Tử Giám tế tửu. Ông mất năm 1443. Tác phẩm của ông có “Vi khê thi tập”, lưu truyền gồm 36 bài thơ chép trong “Toàn Việt Thi Lục”.

Hệ thống hoành phi, câu đối tại chùa.

Hiện nay, Chùa Chân Khai có mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh gồm: Tiền đường 3 gian 2 dĩ bình đầu bít đốc, cột trụ cánh phong, Thượng điện 3 gian.

Kiến trúc chạm hoa lá cách điệu.

Hệ chịu lực bằng gỗ, vì nóc kiểu thượng con chồng trụ giá chiêng, hạ kẻ chuyền. Trên các cấu kiện kiến trúc như xà, kẻ, câu đầu, chạm hoa lá cách điệu.

Nhà Mẫu và hệ thống tượng thờ mẫu.

Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có nhà mẫu 5 gian, nhà tổ 1 gian 2 chái, 4 mái đao cong.

Nhà Tổ 1 gian 2 chái, 4 mái đao cong.

Hội chùa được tổ chức vào ngày 10/2 âm lịch. Vào ngày này, các cụ mở cửa chùa tổ chức dâng hương cúng phật, cúng tổ, cúng mẫu và các vị thành hoàng làng. Phần hội với các trò chơi dân gian như: bịt mắt đập niêu, chọi gà, kéo co… Buổi tối có giao lưu ca hát quan họ. Ngoài ra, vào các ngày tuần tiết, chùa mở cửa đón tiếp phật tử thập phương về lễ phật. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tâm linh của cả dân làng, hướng con người đến với cõi thiện, tránh xa điều ác, tu trì phúc quả.

Bia đá “Trùng phú tu huệ bi” thời Lê.

Chuông đồng thời Lê - Nguyễn.

Chùa Chân Khai là di tích có từ lâu đời. Hiện còn bảo lưu được nhiều tài liệu hiện vật quý như: Bia đá, chuông đồng có niên đại thời Lê - Nguyễn. Đó là minh chứng cho sự hình thành và phát triển của ngôi chùa trong lịch sự.

Tượng Phật di lặc.

Tượng Quan thế Âm bồ tát.

Chùa hiện là nơi sinh hoạt tâm linh của toàn thể dân làng và thập phương quanh vùng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng mối đoàn kết cộng đồng dân cư.

Không gian thanh tịnh tại chùa.

Chùa Chân Khai đã được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá tại Quyết định số 231/QĐ-CT ngày 20/02/2004.   

A.T