Di tích cấp tỉnh - Từ đường họ Nguyễn Vũ

02/01/2025 07:30

(BNP) - Từ đường họ Nguyễn Vũ (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du) là công trình tín ngưỡng văn hoá và kiến trúc nghệ thuật độc đáo của dòng họ và quê hương. Đây là nơi tôn thờ tổ tiên, nơi giáo dục truyền thống của dòng họ Nguyễn Vũ nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống của gia tộc và quê hương.

Cổng vào từ đường họ Nguyễn Vũ.

Từ đường là nơi thờ các bậc tiên tổ, các nhà tri thức nho học của dòng họ Nguyễn Vũ. Căn cứ vào tấm bia đá “Văn bia ghi gia phả họ Vũ” được khắc vào ngày tốt tháng Giêng niên hiệu Tự Đức 30 (1877) cho biết: Họ Nguyễn Vũ vốn có nguồn gốc từ họ Nguyễn, thôn Tiêu Thượng, xã Tương Giang, thành phố Từ Sơn chuyển đến. Cụ tổ của dòng họ Nguyễn khi ấy là Hoàng giáp Nguyễn Nhân Hiệp. Cụ Hiệp đậu Hoàng giáp năm 1547, làm quan đến chức Tham chính.

Tiền tế xây theo kiểu một tầng hai mái tay ngai, hai bên tường hồi xây cột trụ cánh phong.

Tiền tế 3 gian, khung gỗ lim chắc khỏe.

Đến đời thứ ba có cụ Nguyễn Đăng Minh, thời kỳ này là vào những năm đầu thế kỷ XVII, nhà Lê suy vong, đất nước chiến tranh liên miên giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Khi ấy cụ Phủ sĩ Nguyễn Đăng Minh đang làm quan cho nhà hậu Lê đã từ quan lánh sang thôn Bất Lự dạy học.

Bờ nóc bờ dải trang trí hoa chanh.

Hệ thống cột đều được đặt trên các chân tảng bằng đá.

Sau đó, cháu đích tôn của cụ là Huấn đạo phủ Bình Vũ Quý Công mới chính thức nhập tịch tại thôn Bất Lự (vào khoảng giữa cuối TK XVII). Hiện Từ đường Nguyễn Vũ thờ cụ Hoàng giáp Nguyễn Nhân Hiệp làm Viễn tổ, thờ cụ Phủ sĩ Nguyễn Đăng Minh làm Triệu tổ và thờ cụ Huấn đạo phủ bình Vũ Quý Công làm Thủy tổ. Từ đó đến nay dòng họ đã nhanh chóng phát triển thành một họ lớn ở đất Hoàn Sơn.

Gian thờ chính bên trong từ đường.

Nơi thờ các bậc tiên tổ, các nhà tri thức nho học của dòng họ Nguyễn Vũ.

Căn cứ vào văn bia, tài liệu, gia phả còn lưu giữ được cho biết, công trình Từ đường họ Nguyễn Vũ được xây dựng vào thế kỷ XVII. Khi đó dòng họ đã xây dựng ba gian nhà thờ nhỏ, đến thế kỷ XIX, dưới thời cụ Vũ Văn Vị đã cho trùng tu và mở rộng nhà thờ với quy mô lớn gồm 34 gian, kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” toàn bộ công trình được làm bằng gỗ lim.

Khám thờ thời Nguyễn.

Ngai thờ thế kỷ XXI.

Trải qua thăng trầm lịch sử, đến năm 1958, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, dòng họ đã giải hạ 28 gian nhà thờ tổ để chia cho các gia đình trong họ. Hiện nay, Từ đường họ Nguyễn Vũ gồm công trình kiến trúc chính là toà Tiền tế ba gian, Hậu đường ba gian để thờ cúng tổ tiên. Năm 2018 thay thế toàn bộ hệ thống cửa trước tòa Tiền tế.

Biển gỗ thời Nguyễn.

Tranh cổ thời Nguyễn.

Hiện từ đường có kiến trúc hình chữ Nhị gồm 2 tòa: Tiền tế và Hậu đường là hai công trình kiến trúc gốc từ thời Nguyễn. Tiền tế 3 gian, khung gỗ lim chắc khỏe, liên kết bởi 4 bộ vì, mỗi bộ vì 4 hàng chân cột, vì nóc “giá chiêng cột trốn”, hệ thống cột đều được đặt trên các chân tảng bằng đá.

Hoành phi thế kỷ XXI.

Tiền tế xây theo kiểu một tầng hai mái tay ngai, hai bên tường hồi xây cột trụ cánh phong. Trên cột trụ trang trí lồng đèn, sấu chầu, bờ nóc bờ dải trang trí hoa chanh. Tại nhà Tiền tế, hai gian bên được lắp hệ thống sàn gỗ.

Ngăn cách giữa Tiền tế và Hậu đường là một lạch sân nhỏ. Hậu đường 3 gian, bộ khung gỗ lim, kiến trúc quá giang gác tường, xây kín hai hồi và hậu.

Bia đá thời Nguyễn.

Họ Nguyễn Vũ ở Bất Lự lấy ngày 21 và 22 tháng Giêng hàng năm làm ngày giỗ Tổ. Sau khi tổ chức đi viếng mộ tổ và cúng tế tổ tiên, đại diện của hội đồng gia tộc sẽ sơ kết công việc trong năm, đồng thời ghi nhận, biểu dương các gia đình, cá nhân đã chấp hành tốt chủ trương của Đảng cũng như có nhiều thành tích trong việc hưởng ứng xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Văn bia gia phả của dòng họ.

Ngoài ngày giỗ tổ của cả dòng họ, vào ngày mùng 2/9, dòng họ lại tổ chức dâng hương bái yết tổ tiên. Đồng thời, tổng kết công tác khuyến học, biểu dương khen thưởng những cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, học sinh, sinh viên đạt loại giỏi trong học tập, thi đỗ đại học, được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ...

Từ đường được xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố tại Quyết định số 127/QĐ-UBND, ngày 09/02/2015.

A.T