Di tích lịch sử cấp tỉnh đình Dưỡng Mông

10/02/2025 07:00

(BNP) - Đình Dưỡng Mông (hay còn gọi là đình làng Móng), xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du nằm ở vị trí trung tâm của làng, mặt quay hướng Nam, trước mặt là ao đình và khu dân cư, bên trái đình là chùa. Khuôn viên đình rộng lớn được bao bọc bởi hệ thống tường bao, bên trong sân có nhiều cây cổ thụ tạo nên sự thâm nghiêm, cổ kính.

Lối vào đình Dưỡng Mông.

Trước kia, đình được xây dựng theo hướng Đông, Đại đình 5 gian, Hậu cung 3 gian, khung gỗ lim chắc chắn. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, đình bị giặc Pháp đốt. Sau khi hòa bình lập lại, nhân dân địa phương đã cùng nhau công đức tiền của xây dựng lại đình tạm có kiến trúc đơn giản, kiểu kèo kìm, tường gạch, mái lợp ngói mũi, gỗ tạp và tre ngâm. Năm 1994 trùng tu lại đình trên nền đất cũ. Năm 2000 tu sửa nhỏ, thay hoành rui bị mối mọt.

Tiền tế 1 gian 2 chái, chồng diêm hai tầng 8 mái đao cong.

Trên đỉnh nóc mái trang trí hình mặt hổ phù đỡ lấy mặt trời.

Các đầu dư chạm rồng.

Hiện nay, đình có mặt bằng kiến trúc kiểu tiền chữ Nhất hậu chữ Đinh, gồm Tiền tế, Đại đình và Hậu cung. Tiền tế 1 gian 2 chái, chồng diêm hai tầng 8 mái đao cong, kết cấu bộ khung bê tông giả gỗ.

Gian thờ chính trong đình.

Tiền tế có kết cấu bộ khung bê tông giả gỗ.

Trên đỉnh nóc mái trang trí hình lưỡng long chầu nhật.

Đại đình 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, bộ khung gỗ chịu lực liên kết 4 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang, bộ vì nóc kết cấu theo kiểu “giá chiêng”, vì nách kiểu “bán giá chiêng”, trên các đầu dư chạm rồng và trên các cấu kiện trang trí hoa lá cách điệu, hệ thống cửa mở 3 gian giữa bằng gỗ xoan kiểu thượng song hạ bản, hai hồi xây tường gạch trổ cửa sổ nhổ kiểu chữ Thọ tròn.



Các cấu kiện trang trí hoa lá cách điệu.

Hậu cung 1 gian. Trên đỉnh nóc mái trang trí hình lưỡng long chầu nhật, mặt hổ phù đỡ lấy mặt trời. Các đầu đao uốn cong trang trí hình hoa lá và chim công, trên các bờ guột có đắp nổi hình con rùa ngậm hoa lá.

Các sắc phong tại đình.

Đình làng thờ Thành hoàng là 3 vị: Đệ nhất Hàm Minh, Đệ nhị Hàm Minh và Đệ tam Hàm Minh, có công đánh giặc vào thời Lý, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta. Do địa phương không còn bảo lưu được tư liệu thần tích, sắc phong nên lai lịch và công trạng của các ngài chưa rõ.

Hoành phi, câu đối tại đình.

Lễ hội đình làng Móng được tổ chức vào ngày mùng 7, 8 tháng Giêng. Vào ngày chính hội mùng 8, dân làng tổ chức rước kiệu từ đình lên đền núi để rước 3 vị anh linh về đình, sau đó là tế lễ.

Hệ thống cửa mở 3 gian giữa bằng gỗ xoan kiểu thượng song hạ bản.

Bộ bát bửu. 

Ngai thờ tại đình.

Trong phần hội, diễn ra các trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, tổ tôm điếm, đánh cờ, hát quan họ trên ao đình. Những ngày lễ hội ở đây đã thực sự thu hút đông đảo quần chúng nhân dân địa phương vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi, lành mạnh.

Trước mặt đình Dưỡng Mông là ao đình.

Đình Dưỡng Mông được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố theo Quyết định số 1544/QĐ-UBND ngày 08/12/2021.

A.T