Di tích lịch sử văn hoá Chùa Cao (Vĩnh Phúc Tự)
(BNP) - Chùa Vĩnh Phúc dân làng quen gọi là chùa Cao (thôn Đoàn Kết, xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ) vốn được dựng với quy mô lớn vào thời Lê trên núi Cáng. Ngôi chùa cổ đã bị tiêu huỷ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1994, chùa được xây dựng lại như hiện nay.
Tòa Tam bảo Chùa Cao.
Bờ nóc đắp nổi chữ tạm dịch là Vĩnh Phúc Tự.
Chùa Cao toạ lạc trên khu đất rộng trên đỉnh núi Côn Cương (núi Cáng) có phong cảnh đẹp. Truyền kể nơi đây là một trong những trung tâm đào tạo tăng ni, phật tử và nhiều nhà sư nổi tiếng trụ trì.
Chùa là nơi thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu.
Hoành phi tại tòa Tam bảo.
Chuông đồng tại tòa Tam bảo.
Hiện nay chùa Cao gồm các công trình kiến trúc chính là tòa Tam bảo, nhà Tổ, nhà thờ Bác Hồ trong cùng khuôn viên di tích.
Trong đó, tòa Tam bảo có kết cấu mặt bằng kiểu chữ Đinh, bao gồm Tiền đường có quy mô 5 gian 2 mái, bình đầu bít đốc cột trụ lồng đèn; chính giữa đắp biển chùa có 3 chữ Hán; kết cấu vì nóc kiểu “vì kèo” gác trực tiếp lên tường bao, các cấu kiện kiến trúc để trơn không trang trí, bào trơn đóng bén, soi gờ chỉ.
Nhà thờ Tổ.
Chùa lưu giữ được nhiều pho tượng thờ.
Thượng điện nối liền với Tiền đường tạo thành không gian khép kín, đây là trung tâm của Điện phật. Thượng điện có kết cấu 3 gian, bao gồm 3 bộ vì mỗi bộ vì 2 hàng chân cột, vì nóc kết cấu kiểu “vì kèo” vì nách kiểu “kẻ ngồi” gác trực tiếp lên tường bao. Bộ khung chịu lực của tòa Tam bảo sử dụng chất liệu gỗ truyền thống. Nhà Tổ 5 gian 2 mái, có kết cấu kiểu chữ Nhất, bao gồm 6 bộ vì với 4 hàng chân cột, kết cấu vì nóc kiểu "vì kèo" quá giang gác tường.
Nhà thờ Bác Hồ 3 gian nằm bên phải tòa Tam Bảo. Trong khuôn viên chùa có cây tháp đá chạm nổi chữ Hán “Báo Ân tháp” từng được sử sách ghi chép lại.
Tượng Quan Âm Chuẩn Đề trong khuôn viên chùa.
Chùa lưu giữ được một số hiện vật tiêu biểu như: 01 bia đá năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738); 20 pho tượng thờ (tượng Tam Thế, bộ Dida Tam Tôn, tượng Thích Ca thuyết pháp, tượng Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Cửu Long, tượng Đức Ông, tượng Thánh Hiền, tượng Tổ, tượng Tam Tòa Thánh Mẫu, tượng Địa Tạng Vương); 03 Hoành phi; 03 Đôi câu đối; 01 bát hương Nguyễn. Tất cả các hiện vật, đồ thờ tự tại tòa Tam bảo đều có niên đại tạo tác cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.
Đường lên chùa có không gian cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Chùa Cao là công trình vốn được khởi dựng từ lâu đời để thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu và Bác Hồ. Di tích là minh chứng cho lịch sử tồn tại và phát triển của quê hương. Ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, nơi bảo tồn, phát huy những thuần phong mỹ tục và đoàn kết cộng đồng dân cư.
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Chùa Cao được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 1008/QĐ-UBND, ngày 24/9/2014.