Di tích độc đáo xứ Kinh Bắc

15/11/2011 01:16
Chùa Dạm, tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian (vì ngày xưa chùa có 100 gian nhưng không phải chùa Trăm Gian thuộc địa phận Hà Nội), cũng được gọi là chùa Lãm Sơn, theo tên núi.
Cột đá chùa Dạm.
Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, ngày xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh), là đại danh lam từ thời Lý và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1.000 năm.

Theo thư tịch, sử sách như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí thì vào năm Quảng Hựu thứ nhất (1085), Nguyên phi Ỷ Lan nhà Lý khi dạo chơi Đại Lãm Sơn có ý định xây chùa.
 
Năm 1086, triều đình nhà Lý bắt đầu xây dựng chùa. Năm sau, 1087, vua Lý Nhân Tông đến thăm ngôi chùa đang xây, mở tiệc, làm thơ “Lãm Sơn dạ yến”. Sau mười năm xây dựng, năm 1097 chùa Dạm mới hoàn thành, được Vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh, ban 300 mẫu tự điền (ruộng thuộc nhà chùa) để chùa có hoa lợi hương khói và bảy gia đình ở mé dưới núi được giao việc chuyên đóng - mở cửa chùa. Năm 1105, lại xây ba tháp đá ở chùa Lãm Sơn. Trong thời gian dài sau đó chùa luôn được sự chiếu cố đặc biệt của triều đình, nên chùa càng được gia công mở mang quy mô. Vua Trần Nhân Tông từng đến thăm, ca ngợi thành thơ về bức tranh kiến trúc kế tiếp mười hai lớp này.
 
Ngoài ra còn có truyền thuyết về “Ngòi Con Tên” cũng xoay quanh phản ánh về việc xây dựng chùa Dạm. Truyền thuyết kể: Sau khi tiến hành xây dựng xong chùa Dạm, Thái hậu Ỷ Lan thường về đây tụng kinh niệm Phật, về già đã về ở hẳn đây hương khói thờ Phật. Bà đã ban phát cho dân ở đây 100 mẫu ruộng để làm hương hoả của chùa và hàng năm cho mở hội lớn tại chùa Dạm. Để tiện cho việc về thăm mẹ và vãn cảnh chùa Dạm bằng thuyền rồng, vua Lý Nhân Tông đã lệnh cho dân vùng này phải đào ngay một con ngòi chạy thẳng tắp nối sông Thiên Đức (Đuống) từ Quế Ổ chạy qua các làng xã của Chi Lăng, Yên Giả, Nam Sơn đến chân núi chùa Dạm. Vì con ngòi được đào thẳng tắp như con tên, nên nhân dân trong vùng gọi là “Ngòi Con Tên” v.v...
 
Theo nhân dân địa phương, vào những năm 1946-1947, quân đội thực dân Pháp về đây đóng bốt, chùa đã bị đốt. Các lão làng kể: “Ngôi chùa cháy trong mấy ngày mới hết. Đêm chùa cháy có một trận phong ba nổi lên cuốn bụi khói mịt mù, dân làng bảo nhau sau này nhất quyết phải dựng lại chùa”. Trước đó, tượng mẫu Nguyên Phi Ỷ Lan và tượng vua Lý Nhân Tông đã được gửi vào chùa Hàm Long gần đó nên giữ được đến ngày nay. Toàn bộ di vật, cổ vật đã mất hết nên người dân coi hai pho tượng đó là bảo vật.
 
 Hiện tại 100 gian xưa giờ được thay bằng ba gian điện nhỏ thờ thần Phật (ở nền cấp thứ ba) và ba gian đền (ở nền cấp thứ tư) thờ hai cổ vật còn sót lại là tượng Nguyên Phi Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông. Cả chùa và đền mới đều được xây dựng từ năm 1996, do nhân dân địa phương đóng góp.
Nguyễn Lê Phúc
Nguồn: BBN