Gà Hồ - Sản phẩm độc đáo về văn hóa và ẩm thực của người Kinh Bắc (18/01/2012)
Người ta chỉ biết rằng, gà Hồ đã xuất hiện trong những bức tranh gà ở làng tranh dân gian Đông Hồ. Mà lịch sử xuất hiện của dòng tranh dân gian này cũng đã có mấy trăm năm nay rồi.
Ngày xưa, người dân làng Hồ (một cách gọi chung cho các thôn của xã Song Hồ và thị trấn Hồ ngày nay ) tự hào có một vật phẩm để tiến vua, để tế lễ, làm quà tặng cho bạn bè họ hàng thân thích trong những dịp tết đến, xuân về. Người xưa không xếp nó như một loại thực phẩm mua bán trên thương trường. Người ta nhìn nhận gà Hồ trước hết như là một tác phẩm nghệ thuật bởi vẻ đẹp hùng tráng của nó. Hàng năm đến ngày xuân hội thi gà được các cụ tổ chức ở đình làng.
Trước đây việc nuôi gà còn phát triển mạnh, hội tổ chức thi gà đã thịt. Những chú gà luộc nào to, dáng đẹp thì được trao giải. Từ năm 1991, khi hội gà Hồ được thành lập, vì đàn gà mới khôi phục lại, số lượng ít chỉ để làm giống nên việc tổ chức thi gà hàng năm được cải tiến. Gà dự thi phải là gà sống được tuyển lựa từ những chú gà đẹp nhất thôn, có trọng lượng từ 2,5 kg đối với gà mái, 3 kg trở lên đối với gà trống mới được tham gia. Có thể thi theo cặp trống mái, hoặc thi chọn gà trống riêng, gà mái riêng (thi đơn). Phần thưởng được trao cho những chủ nhân của các chú gà đạt giải chỉ là cái phích nước, bộ ấm chén nhưng chủ nhân của nó rất tự hào, được dân làng cùng chia vui. Năm nào chỉ có hội không có gà thì hội làng cũng nhạt đi nhiều.
Những năm gần đây do việc tổ chức hội thi có những khó khăn về kinh phí, nên thay bằng việc thi, hội gà của thôn tổ chức cho các hội viên, các gia đình trong thôn chọn những con gà đẹp nhất của mình đem trưng bày để cả hội làng cùng ngắm nghía, trầm trồ, khen ngợi, nhằm khuyến khích các gia đình trong thôn, trong xã phát triển đàn gà...
Theo ông Nguyễn Đăng Chung, gà Hồ có những nét đẹp riêng mà tất cả các giống gà khác không có được. Con gà trống chỉ có 2 màu lông chính. Đó là màu lĩnh (đen) và màu mận chín (đỏ đậm). Một con gà trống được xác định là màu lĩnh hay màu mận chín khi trên người nó màu lông nào chiếm đến 2/3 thì gọi màu đấy. Gà Hồ đầu rất to (đầu gộc). Mào gà to có màu đỏ hoặc màu hồng như màu hoa mẫu đơn. Còn đuôi gà thường xòe to như cái nơm, các lông đuôi bằng nhau. Mỗi khi những chú gà trống cất tiếng gáy, người ta dễ nhìn thấy cái đuôi nơm ấy. Chân gà Hồ thường to, tròn (quản), vẩy chân mịn màu vỏ đỗ nành.
Con gà trống có dáng to, dài, trọng lượng của một chú gà trống nuôi làm giống có khi lên đến 6 - 7 kg. Còn gà mái thường có 3 màu lông: đất thó (trắng, xanh ), vỏ quả nhãn chín và màu sẻ (giống lông chim sẻ). Trọng lượng của gà mái tối đa từ 4-5 kg. Do trọng lượng lớn, chậm chạp nên việc ấp trứng, nuôi con của gà mái rất vụng. Cũng vì thế mà trứng ấp không nở hết, số lượng gà con trong từng đàn cũng ít hơn nhiều so với gà ri. Cũng theo ông Chung, gà Hồ và gà Đông Cảo của vùng Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cũng có những điểm khác nhau về hình dáng. So với gà Hồ thì gà Đông Cảo dáng thấp hơn, chân to hơn, trọng lượng tối đa của một chú gà Đông Cảo cũng nhẹ hơn, chỉ đến khoảng 4,5 kg.
Dưới góc độ ẩm thực thì thịt gà Hồ là một món ăn ngon. Thịt thơm, giòn, ngọt, ăn một lần là nhớ mãi. Vì là loại gà giống to nên gà muốn ăn thịt được phải từ 2,5-3 kg trở lên. Vì thế thời gian nuôi một con gà thịt kéo dài đến 7-8 tháng. Số lượng gà được bán làm thực phẩm chưa nhiều. Hiện nay những người nuôi gà Hồ ở thôn Lạc Thổ chủ yếu là nhân giống, phát triển đàn gà là chính. Tổng đàn gà hàng năm cũng chưa tăng mạnh. Nguyên nhân là còn khó khăn trong việc nhân giống. Các hội viên của hội gà Hồ đã tìm mọi cách tăng số lượng gà nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Lí do cũng nhiều nhưng chủ yếu là việc chăn nuôi gà Hồ vẫn theo hình thức nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Cả 22 hội viên của hội gà Hồ hiện tại cũng chỉ có khoảng trên 1000 con gà vừa để nhân giống vừa để nuôi thương phẩm. Vì số lượng ít cho nên giá gà Hồ thương phẩm cũng cao hơn nhiều giá gà thường, trên 300.000 đồng/kg.
Để duy trì và phát triển giống gà quí, người dân làng Hồ cũng phải lo nhiều thứ lắm. Lo giữ giống để đàn gà không lai tạp, lo dịch bệnh nhất là cúm gia cầm H5N1. Cũng may là mấy năm trước khi dịch bệnh H5N1 tràn lan, dân làng và các hội viên bằng mọi cách giữ được đàn gà, còn từ nay về sau cũng không biết thế nào. Viện Chăn nuôi Trung ương hàng năm cũng có hỗ trợ dân làng một số kinh phí và kĩ thuật để giữ nguồn gen và đề phòng dịch bệnh. Một nỗi lo nữa của các hộ nuôi gà trong làng là sự cận huyết làm suy thoái đàn gà. Theo ông Chung, gà Hồ tuy đã được phát triển hơn nhưng chủ yếu cũng chỉ loanh quanh trong làng nuôi là chính. Các làng xã xung quanh cũng có nuôi, thậm chí nhiều người ở Nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh cũng mua giống về nuôi nhưng không đáng kể. Dân làng có thói quen ai có gà trống giống tốt thì mượn của nhau để gây giống, cứ mượn đi, mượn lại như vậy thì cận huyết dẫn đến thoái hóa đàn gà là khó tránh được.
Để duy trì phát triển đàn gà Hồ, như một sản phẩm văn hóa của người dân Bắc Ninh, theo ông Chung: Mong muốn sự hỗ trợ của Viện Chăn nuôi về kĩ thuật chăm sóc, về phòng chống dịch bệnh, mong muốn chính quyền tỉnh, huyện tạo điều kiện về tài chính, đất đai, cơ sở vật chất để mở rộng qui mô chăn nuôi để gà Hồ trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nếu có dịp về Thuận Thành, Bắc Ninh vào ngày Xuân, bạn hãy đến với chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương, Nam giao học tổ Sỹ Nhiếp, thăm quê nhà thơ Nguyễn Gia Thiều, làng tranh Đông Hồ và đến thôn Lạc Thổ, quê hương của thi sỹ Hoàng Cầm, nơi ấy có một sản phẩm văn hóa, ẩm thực độc đáo của người Kinh Bắc: gà Hồ.