Gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính
(BNP) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 08/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2023.
Mô hình “Dịch vụ công trực tuyến” tại xã Đông Phong, huyện Yên Phong.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Đồng thời, nâng cao chất lượng cung cấp và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xây dựng và phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho việc triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; cải thiện điểm số, duy trì và nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh Bắc Ninh về các chỉ số liên quan đến ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và cải cách hành chính.
Phấn đấu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%; 98% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 95% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 70% cuộc họp cấp tỉnh, 40% cuộc họp cấp huyện thực hiện thông qua hội nghị truyền hình trực tuyến; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính…
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử và thành phố thông minh đáp ứng đặc thù tốc độ thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực CNTT. Tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng CNTT của các ngành và địa phương; đầu tư, nâng cấp, thay thế các trang thiết bị CNTT, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi đã lạc hậu, xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu công việc đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả, kết nối đồng bộ giữa các thiết bị.
Từng bước thực hiện chuyển đổi hạ tầng CNTT của các cơ quan, đơn vị về Trung tâm tích hợp dữ liệu thành phố thông minh đảm bảo tiết kiệm, kết nối đồng bộ giữa các thiết bị, đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Đẩy mạnh việc triển khai, kết nối sử dụng hệ thống mạng WAN nội tỉnh tốc độ cao trong các cơ quan Nhà nước; kết nối hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến giữa khối chính quyền và khối Đảng vận hành trên đường truyền tốc độ cao bảo đảm chất lượng về hình ảnh, âm thanh tại các điểm cầu.
Xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như: giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; ưu tiên đầu tư, phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước theo hình thức thuê dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về lợi ích của việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đưa nội dung đào tạo về Chính quyền điện tử, Chính quyền số, chuyển đổi số vào chương trình đào tạo của các trường, cơ sở đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, phát triển hệ thống đào tạo trực tuyến. Có chế độ, chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, có trình độ, có kỹ năng về làm việc trong các cơ quan Nhà nước; thu hút các trường Đại học có khoa công nghệ thông tin lựa chọn đặt cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh…