Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

20/05/2024 08:00

Cổng Thông tin điện tử (Electronic Information Portal) là một trang web hoặc một hệ thống máy tính được thiết kế để cung cấp thông tin và dịch vụ trực tuyến cho người sử dụng. Theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Nghị định 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ thì Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của cơ quan Nhà nước là điểm truy cập của cơ quan trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng mà qua đó người dùng có thể khai thác, sử dụng và cá nhân hóa việc hiển thị thông tin, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí để tìm kiếm và nhận được thông tin từ các cơ quan hành chính và bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước.

Giao diện trang Tiếng Anh trên Cổng TTĐT tỉnh.

Trong các bộ chỉ số PCI, PAPI, ICT Index, Par Index, thì điểm số công khai, minh bạch thuộc Cổng TTĐT luôn chiếm tỷ lệ cao so với các chỉ số khác. Thông qua Cổng TTĐT, người dân, doanh nghiệp có thể gửi các phản ánh kiến nghị đến các cơ quan Nhà nước nhanh nhạy, kịp thời.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay có 01 Cổng TTĐT của UBND tỉnh; 21 Cổng TTĐT của các Sở, ban, ngành tỉnh; 8 Cổng TTĐT của UBND cấp huyện; 126 Cổng TTĐT của UBND cấp xã và các Cổng TTĐT của các cơ quan Đảng, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp của tỉnh. Các thành viên quản trị, Ban Biên tập đã được kiện toàn như: Cổng TTĐT của UBND tỉnh có 37 người; Cổng TTĐT các Sở, ngành có 156 người; Cổng TTĐT của UBND cấp huyện có 64 người; Cổng TTĐT của UBND cấp xã có 756 người.

Các Cổng TTĐT đều có số lượng lớn người dân, doanh nghiệp khai thác thông tin, trong đó điển hình là Cổng TTĐT tỉnh: Trên website Cổng TTĐT tỉnh có gần 119 triệu lượt người truy cập (bình quân thu hút 300.000 lượt truy cập/tháng); Fanpage Cổng TTĐT tỉnh có 531 nghìn người ấn nút theo dõi trang, gần 52 triệu lượt người tiếp cận và trên 32 triệu lượt người tương tác trong 05 năm (đặc biệt có 01 video đạt 14 triệu lượt người xem); Zalo của Cổng TTĐT tỉnh đã thu hút 15.787 lượt người quan tâm. Trong 05 năm qua, các Sở, ngành, UBND cấp huyện tương tác với người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng TTĐT, nhất là việc trả lời các phản ánh, kiến nghị của công dân đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định với hơn 4.000 kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được trả lời.

Trong 05 năm qua, Cổng TTĐT tỉnh đã cập nhật trên 29.845 văn bản, tương ứng với trên 70.000 trang văn bản theo 2 định dạng PDF và Word; sản xuất tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo tỉnh được kịp thời, nhanh chóng, đã sản xuất 32.913 tin, bài, ảnh; 1946 video; thông tin Tiếng Anh đã biên dịch 3.276 tin.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong quá trình hoạt động của Cổng TTĐT vẫn còn một số tồn tại như: Thông tin chưa cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin sơ sài, một số thông tin vẫn sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, khó hiểu; hình thức thông tin chưa đa dạng vẫn chỉ sử dụng dưới dạng văn bản; cán bộ trong Ban Biên tập (BBT) Cổng TTĐT thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm…

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng thông tin trên Cổng TTĐT của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cần phải xem xét các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thông tin như: Hệ thống máy tính, tốc độ đường truyền Internet; Năng lực thành viên BBT Cổng TTĐT; Các loại hình thông tin và chất lượng thông tin; Giao diện Cổng TTĐT; Sử dụng các nền tảng mạng xã hội truyền tải thông tin; Người tiếp cận thông tin từ đó đề xuất giải pháp, cụ thể như sau:

Cổng TTĐT thị xã Quế Võ.

Thứ nhất: Giải pháp quản lý

Tăng cường quán triệt nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và thành viên BBT các Cổng TTĐT. Với đặc thù BBT Cổng TTĐT đều là cán bộ kiêm nhiệm do vậy đòi hỏi đơn vị chủ quản khi kiện toàn BBT cần lựa chọn các đồng chí công tác ở các phòng, ban có liên quan đến nội dung thông tin phải cập nhật theo quy định của pháp luật.

Triển khai chấm điểm việc cập nhật thông tin đối với các Cổng TTĐT thuộc các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện. Giao BBT Cổng TTĐT của UBND cấp huyện chấm điểm cập nhật thông tin đối với các Cổng TTĐT của UBND cấp xã, theo đó cần quy định cụ thể số lượng thông tin cần cập nhật mỗi tháng và các thông tin phải cập nhật theo quy định.

Thứ hai: Hệ thống máy tính, tốc độ đường truyền Internet

Hệ thống máy tính tốt, tốc độ đường truyền internet cao sẽ giúp xử lý dữ liệu nhanh chóng và hiệu quả hơn, giảm thiểu thời gian tải trang và truy cập thông tin cho người dùng, nâng cao trải nghiệm sử dụng. Người dùng có xu hướng rời bỏ các trang web chậm chạp và kém ổn định. Điều này đặc biệt quan trọng khi Cổng TTĐT phải phục vụ nhiều người dùng đồng thời hoặc xử lý lượng dữ liệu lớn.

Giao diện Cổng TTĐT sắp xếp dễ nhìn, hài hòa cần chú ý đến thương hiệu, hình ảnh của ngành, đơn vị…

Thứ ba: Đa dạng các loại hình thông tin, phương tiện truyền tải thông tin

Một thông tin chỉ đạo điều hành cần sản xuất đa dạng các loại hình như: Tin viết, tin hình video, tin chùm ảnh, tin đồ họa, tin âm thanh Audio… để phù hợp với nhu cầu từng người tiếp cận, sử dụng.

Sử dụng các nền tảng mạng xã hội có nhiều người dùng hiện nay để đăng tải thông tin, tiếp cận đến nhiều người như: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok…

Phát triển các tính năng tương tác giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng TTĐT như: Thiết lập các diễn đàn và bình luận để người dùng có thể trao đổi, thảo luận và chia sẻ ý kiến về các lĩnh vực quản lý nhà nước và các nội dung có liên quan; Tích hợp các khảo sát, thăm dò ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp về các chủ đề quan tâm.

Cổng TTĐT phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn.

Thứ tư: Nguồn nhân lực, sử dụng hợp lý thành viên BBT Cổng TTĐT

Sử dụng nguồn nhân lực là khâu quan trọng tiếp theo của quá trình quản lý. Sử dụng nguồn nhân lực được thể hiện ở việc bố trí, sắp xếp từng con người vào từng vị trí công việc sao cho phù hợp với khả năng và nhiệm vụ chuyên môn. BBT phân công nhiệm vụ thành viên cập nhật thông tin cần căn cứ vào các nội dung thông tin phải đăng theo Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ cập nhật thông tin ít nhất một năm/lần. Cần bố trí kinh phí để chi trả thù lao theo quy định của pháp luật.

Thứ năm: Tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài

Bắc Ninh với kinh tế công nghiệp phát triển, là điểm đến của các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đến nay có hơn 2.000 doanh nghiệp FDI đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ điển hình là một số nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Châu Âu... Bên cạnh đó, Bắc Ninh có nhiều di tích lịch sử và di sản văn hóa được UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Mỗi năm, tỉnh Bắc Ninh đã đón hàng vạn khách nước ngoài đến tham quan, du lịch. Vì thế, thông tin tiếng nước ngoài trên Cổng TTĐT của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đóng một vai trò quan trọng, giúp cho người dân, doanh nghiệp, du khách, người làm việc tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh. Qua việc thông tin bằng tiếng nước ngoài cũng là dịp để tỉnh giới thiệu đến bạn bè quốc tế về lịch sử, văn hóa, kinh tế và con người của vùng đất giàu lịch sử văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Thứ sáu: Người tiếp cận thông tin

Việc cập nhật thông tin đầy đủ lên Cổng TTĐT là yếu tố cần để người dân, doanh nghiệp biết và tiếp cận thông tin mới là đủ, qua đó thể hiện được tính công khai, minh bạch của cơ quan Nhà nước. Do vậy mỗi cơ quan, đơn vị cần phải tăng cường tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin.

Người dùng thường xuyên truy cập tiếp cận thông tin và tương tác với Cổng TTĐT sẽ tạo ra một kênh giao tiếp hai chiều, giúp cơ quan quản lý Nhà nước hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của người dùng. Việc tiếp cận và giữ chân người dùng trên Cổng TTĐT là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả truyền thông và phục vụ tốt hơn các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp của cơ quan Nhà nước.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Hòa