Giao ban đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội
(BNP) - Sáng 17/8, tại tỉnh Bắc Ninh, Ban chỉ đạo (BCĐ) triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Trưởng BCĐ chủ trì.
Toàn cảnh Hội nghị.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Tỉnh Bắc Ninh có đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo một số Sở, ngành, địa phương có dự án đi qua.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cơ bản đáp ứng, bám sát tiến độ đề ra. Các địa phương đã thu hồi 85,8% diện tích; di chuyển các phần mộ đạt 41,35%. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi 85,91% diện tích. Các địa phương phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023 và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2023. Thành phố Hà Nội đã tổ chức khởi công dự án thành phần 2.1.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa.
Hiện đã khảo sát các mỏ đất, song đa số các mỏ đều chưa có giấy phép khai thác; một số ít các mỏ có giấy phép cự ly vận chuyển xa, hạn chế cung cấp ra tỉnh ngoài. Đối với các mỏ cát, tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội, phần lớn nằm trong quy hoạch; cự ly vận chuyển xa với 02 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên; công suất khai thác các mỏ có giấy phép đang hoạt động thấp.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, nhất là phần diện tích đất ở, di chuyển mồ mả, bố trí khu tái định cư; rà soát và chủ động gửi văn bản đến UBND các tỉnh lân cận có mỏ vật liệu xây dựng thông thường chấp thuận danh mục các mỏ vật liệu trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng để phục vụ dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang.
Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết, Bắc Ninh đã tích cực chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, phấn đấu khởi công dự án thành phần 2.3 trong tháng 9/2023. Tuy nhiên, hiện đang khó khăn, vướng mắc về giá trị tổng mức đầu tư thực tế của dự án thành phần 1.3 dự kiến tăng khoảng 2.874 tỷ đồng so với giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội phê duyệt, do xác định đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường; cự ly vận chuyển vật liệu xây dựng thông thường quá xa, làm tăng chi phí vận chuyển…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng.
Tỉnh Bắc Ninh kiến nghị BCĐ dự án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, trình Chính phủ cho phép tỉnh điều hòa, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần 1.3 và 2.3; BCĐ làm việc cụ thể với các địa phương có mỏ vật liệu, cam kết cung cấp đủ khối lượng vật liệu cho dự án. Đồng thời, đề nghị thống nhất một số nội dung liên quan đến việc bố trí đường công vụ phục vụ thi công dự án thành phần 2.3; vị trí đổ thải vật liệu không thích hợp khi thi công nền đường.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kết, cơ sở dự toán để xây dựng dự án thành phần 2.2, 2.3 làm căn cứ lựa chọn nhà thầu, khởi công vào cuối tháng 9/2023. Đồng thời, tập trung cao cho công tác GPMB các khu tái định cư, bố trí đất ở cho người dân; lưu ý phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng để tạo thuận lợi cho người dân với tinh thần “nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cùng với đó, tập trung hoàn thành công tác di chuyển mộ vào dịp cuối năm; giải quyết các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành công tác GPMB vào cuối tháng 12/2023 theo Nghị quyết của Chính phủ.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các địa phương rà soát lại các mỏ vật liệu, đảm bảo cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án đường Vành đai 4; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục để tránh thất thoát, lãng phí, không để xảy ra tiêu cực.