Giữ gìn và phát triển nghề làm bánh phu thê truyền thống
(BNP) - Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương và gia đình cùng với sự sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở Bánh phu thê Đại Đức của chị Đỗ Thị Yến (khu phố Hạ, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn) đã thành công, bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Chị Đỗ Thị Yến (bên phải) đang thực hiện cán vỏ bánh ra khuôn.
Bánh phu thê là món ăn nổi tiếng, có từ lâu đời của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc. Nghề làm bánh phu thê ở Đình Bảng đã tồn tại hàng trăm năm, từ thời vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra biên cương cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê. Trước đây, người dân Đình Bảng thường làm bánh vào dịp Tết Nguyên đán và ngày hội Đền Đô, lễ cưới, đám hỏi… Nhưng ngày nay, bánh phu thê được làm ở bất cứ thời điểm nào trong năm.
Là người con của quê hương Đình Bảng nổi tiếng với nghề làm bánh phu thê nên chị Đỗ Thị Yến đã quyết tâm giữ gìn và phát triển thương hiệu Bánh phu thê Đại Đức của gia đình. Theo chị Yến, bánh phu thê được tạo bởi sự hòa quyện độc đáo của lớp vỏ và nhân bánh. Do bánh được kết hợp từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau nên người làm bánh thường phải tỉ mỉ trong từng khâu. Vỏ bánh phu thê Đại Đức được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng. Gạo nếp xay nhuyễn, lọc lấy bột đem phơi khô, sau đó nhàu với đu đủ xanh nạo nhỏ và nước màu tự nhiên của quả dành dành. Đậu xanh nấu nhuyễn thêm đường kính trắng, cho lượng nước vừa đủ, khi thấy bột dẻo, dai, mịn là được nhân bánh chuẩn.
Bột, đu đủ xanh nạo sợi và nước quả dành dành được cho vào máy trộn, cho ra vỏ bánh.
Bánh phu thê được gói bằng hai loại lá. Bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng là lớp lá dong. Bánh được gói thành từng cặp, dùng dây lạt đỏ buộc lại, tượng trưng cho sợi tơ hồng gắn kết tình nghĩa vợ chồng keo sơn. Bánh gói xong, đem hấp cách thủy từ 30 - 40 phút là chín, sau đó vớt ra để nguội, ráo nước. Chiếc bánh phu thê đạt tiêu chuẩn là khi thưởng thức người ta sẽ thấy được màu vàng trong của bánh, nhìn thấu những sợi đu đủ bên ngoài lớp vỏ. Khi ăn, cảm nhận hương thơm, dẻo từ gạo nếp, dai giòn của đu đủ, béo bùi của đậu xanh, dừa và vị ngọt của đường. Bánh để được khoảng 4 ngày trong điều kiện bình thường.
Chị Yến cũng chia sẻ thêm, hiện nay, do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, với cách thức làm bánh thủ công truyền thống không thể đáp ứng hết được nhu cầu của khách hàng. Mặt khác, quy trình sản xuất thủ công tốn nhiều thời gian, công sức, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cơ sở Bánh phu thê Đại Đức đã tìm tòi, nghiên cứu và quyết định ứng dụng các máy móc hiện đại vào khâu sản xuất.
Chị Yến khéo léo gói cẩn thận từng chiếc bánh phu thê.
Sau thời gian tìm hiểu và đặt mua thử nghiệm các loại máy như: Máy rửa lá; máy trộn bột; máy nạo sợi đu đủ; thiết bị sên nhân; nồi hấp công nghiệp; máy hút chân không… đến nay, cơ sở bánh phu thê Đại Đức đã trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại và cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao năng suất. Bột được trộn được kỹ hơn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; máy nạo đu đủ với công suất lớn, giúp giảm thời gian và công sức lao động. Lò hấp bánh với các thanh nhiệt xếp tầng cho phép hấp từ 500 - 1.000 bánh/lần thay vì khoảng 100 bánh/lần khi hấp bằng nồi truyền thống và có thể điều chỉnh thời gian tự động ngắt và làm mát bánh. Ngoài ra, máy hút chân không giúp bảo quản bánh kín hơn, hạn chế vi khuẩn xâm nhập, kéo dài thời gian sử dụng thêm từ 3 - 5 ngày…
Ngoài bánh truyền thống, hiện nay, cơ sở Bánh phu thê Đại Đức cũng sản xuất thêm nhiều loại bánh phu thê như: Bánh phu thê nhân đậu xanh - sầu riêng; Bánh phu thê nhân đậu xanh - trà xanh; Bánh phu thê nhân đậu xanh - cốm; Bánh phu thê nhân đậu xanh - socola; Bánh phu thê nhân đậu đen - mè đen với các hình thức gồm: Bánh to theo cặp với giá 50.000 đồng/cặp hoặc bánh ăn hỏi, lễ cưới loại nhỏ với giá 12.000 đồng/chiếc.
Bánh phu thê Đại Đức thành phẩm.
Cơ sở sản xuất bánh phu thê Đại Đức đã được cấp Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bánh phu thê Đình Bảng”. Đặc biệt, dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất bánh phu thê truyền thống” của cơ sở bánh phu thê Đại Đức đã đạt giải Nhất trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2023. Mỗi ngày cơ sở sản xuất gần 2.000 bánh phu thê các loại, tạo việc làm ổn định cho 07 lao động với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh (OCOP) năm 2023, cơ sở Bánh phu thê Đại Đức hi vọng sản phẩm bánh phu thê truyền thống của quê hương sẽ được quảng bá rộng rãi ra thị trường để góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát triển nghề làm bánh truyền thống của địa phương. Đồng thời, mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để cơ sở tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.