Hội nghị Văn hoá toàn quốc
(BNP) - Ngày 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.
Dự hội nghị tại các điểm cầu Trung ương và các điểm cầu trong toàn quốc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Liên hiệp hội, hội chuyên ngành về văn hóa nghệ thuật của Trung ương, nhà khoa học, nhà văn hóa, trí thức văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Dự tại điểm cầu Bắc Ninh có các đồng chí: Đào Hồng Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Uỷ viên Dự khuyết TƯ Đảng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh uỷ; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến với các điểm cầu Huyện uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, là diễn đàn để lắng nghe và cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại Hội nghị, Báo cáo tổng kết về việc kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội nghị nhấn mạnh: Đường lối xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn xác định đặt văn hóa là một trong ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta, bên cạnh và ngang hàng với chính trị, kinh tế, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nhờ quan điểm lãnh đạo mà văn hóa thời gian qua đạt được nhiều thành tựu. Đặc biệt, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Báo cáo cũng nêu rõ những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm về phát triển văn hóa trong thời gian tới. Trong đó, xác định mục tiêu chung là: Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 mới được tổ chức nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Mượn lời tiền nhân: “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Phân tích những tồn tại trong phát triển văn hóa và chỉ rõ thời cơ, thách thức trước bối cảnh mới, Tổng Bí thư đề nghị thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quan tâm khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, mong muốn, sau Hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình bày một số nội dung trọng tâm về triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030.
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm sáng tỏ những vấn đề cụ thể về chủ trương, mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ đặt ra. Trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyền truyền về phát triển văn hóa; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa. Các ý kiến cũng đề cập đến nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật; chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra một số gợi mở để cụ thể hoá các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị. Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục khơi dậy khát vọng trong toàn dân tộc, toàn đảng, toàn dân chống tụt hậu, tạo xung lực, phát huy sáng tạo toàn dân để phát triển nhanh, bền vững hơn; Hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; mạnh dạn đổi mới những điểm không phù hợp; xây dựng môi trường cổ vũ sự sáng tạo, tôn trọng cái khác biệt, phát huy tài năng con người, tôn vinh cái mới. Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu sau Hội nghị phải thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, nhằm lan tỏa, đề cao truyền thống tự tôn dân tộc, xây dựng văn hoá con người Việt Nam hoà trong dòng chảy của văn minh nhân loại.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan phát biểu kết luận tại điểm cầu Bắc Ninh.
Kết luận tại điểm cầu Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan ghi nhận, biểu dương tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu tham dự hội nghị, đồng thời đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân về giữ gìn bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc; quan tâm, tạo cơ chế, chính sách văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa công sở, văn hóa gia đình, văn hóa làng xã.
Bên cạnh đó, nắm vững, vận dụng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025; tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; tiếp tục tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về văn hóa; tăng cường đấu tranh chống lại các hành vi phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; tiến hành xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi đi ngược lại với truyền thống văn hóa dân tộc, phá hoại các giá trị văn hóa của nhân dân, đồng thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, văn hóa, con người Bắc Ninh nói riêng.