Hội thảo khoa học Định Quận công Trần Quang Châu

10/01/2021 19:00

(BNP) - Sáng 10/1, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với dòng họ Trần Quang (xã Cao Đức, huyện Gia Bình) tổ chức hội thảo khoa học Định Quận công Trần Quang Châu (1759 - 1792).

Toàn cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại diện gia tộc dòng họ Trần Quang.

Trần Quang Châu, sinh năm 1759, người làng Kênh Phố, huyện Gia Định (nay là thôn Kênh Phố, xã Cao Đức, huyện Gia Bình), tên húy là Trần Quang Nhiêu, tự là Quang Châu. Từ nhỏ ông thông minh, thích đọc sách binh thư, luyện tập võ nghệ tinh thông, lớn lên có tài cai quản, tập hợp nhân dân. Năm 26 tuổi, Trần Quang Châu giữ chức Xã trưởng rồi làm đến chức Trấn thủ Kinh Bắc dưới triều vua Lê.

Định Quận công Trần Quang Châu sống và hoạt động vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII. Đó là sự khủng hoảng triều chính nhà Lê, mâu thuẫn giữa các phe phái phong kiến. Không xuất thân thuộc dòng dõi quan lại nhưng Trần Quang Châu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Cần Vương, bảo vệ vương triều Lê lúc nguy nan, được nhà Lê trân trọng, tôn vinh. Sau nhiều năm chinh chiến Cần Vương, Định Quận công Trần Quang Châu qua đời vào giữa năm Nhâm Tý (1792), thọ 34 tuổi, ông được thờ tự ở Đền Cố Lê tiết nghĩa, đứng ở vị trí thứ 6 cùng 32 người khác, do vua Tự Đức cho xây dựng năm Canh Thân (1860), tọa lạc tại phường Thụy Khê (Hà Nội).

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ 03 chủ đề chính gồm: Quê hương, gia đình và dòng họ; Định Quận Công Trần Quang Châu - Tiết nghĩa thời Lê; bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử trong đời sống đương đại. Từ đó, nhằm phác họa rõ nét hơn về nhân vật lịch sử Định Quận công Trần Quang Châu; ghi nhận, đánh giá công lao, sự nghiệp và tôn vinh tinh thần, nghĩa cử cao đẹp của bậc tiết nghĩa cuối thời Lê, nhất là tư tưởng trung quân, góp phần tạo nên hình ảnh cuộc đời và quá trình cống hiến chân thực của Định Quận Công Trần Quang Châu đối với đất nước, quê hương một cách công bằng, khách quan và khoa học.

T.L