Hội thảo khoa học sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh” (1926-2024)

27/12/2024 08:27

(BNP) - Chiều 26-12, Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh” (1926-2024). Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo biên tập, bổ sung, tái bản sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh” (1926-2024) chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập; lãnh đạo Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 28-KH/TU, ngày 20-10-2021 về biên tập, bổ sung, tái bản sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh” (1926-2024); ban hành các Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập và phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên. Đến nay, sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh” (1926-2024) đã hoàn thành bản thảo lần thứ 1.

Với tinh thần trân trọng lịch sử, truyền thống của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các đại biểu dự hội thảo góp ý vào bản thảo trên tinh thần thẳng thắn, cụ thể, khách quan, toàn diện để Ban Biên tập tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bản thảo.

Báo cáo kết quả triển khai bổ sung biên tập, tái bản sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh” (1926-2024), đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Đình Lợi nêu rõ: Bám sát Đề cương chi tiết được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, Ban biên tập đã nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện bản thảo sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh” (1926- 2024) lần thứ nhất (tháng 6-2024) và gửi xin ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên Thường trực, nguyên Thường vụ qua các thời kỳ; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ nhiệm kỳ 2020-2025; các đồng chí Ban Chỉ đạo, Ban biên tập sách 1926 - 2024.

Sau hơn 1 tháng gửi xin ý kiến, Ban Biên tập nhận được 40 ý kiến đóng góp vào bản thảo. Trong đó, 100% ý kiến nhất trí xuất bản sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh” (1926- 2024) để làm tài liệu tuyên truyền giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; nhất trí với tên sách: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh” (1926 - 2024); bố cục của sách ngoài Lời giới thiệu, Mở đầu, Kết luận, Phụ lục; sách gồm 4 phần với 9 chương...

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia ý kiến về bố cục, tiêu đề của từng chương, các đề mục, tiểu mục trong dự thảo. Về nội dung, các đại biểu góp ý nên chọn những nội dung cốt lõi, diễn biến các sự kiện nên mang tính khái quát, không nên dàn trải; nên chỉnh sửa câu từ, bổ sung, cập nhật số liệu, điều chỉnh dung lượng trong các mục cho phù hợp; các trích dẫn liên quan đến các sự kiện cần chính xác, đúng với mốc lịch sử, đặc biệt cần làm rõ tính kế thừa của cuốn sách giai đoạn 1926-2008…

Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn trân trọng gửi lời cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến thảo luận, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, khách quan của các đại biểu. Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập cuốn sách tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến phát biểu, thảo luận của đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tư liệu, sự kiện lịch sử, từ đó làm cơ sở để hoàn chỉnh bản thảo cuốn sách.

Đồng chí giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục phối hợp với các chuyên gia của Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kịp thời cung cấp các tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, bổ sung sách theo kế hoạch; đề nghị lãnh đạo Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện về chuyên môn trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện bản thảo, cũng như quá trình thẩm định để cuốn sách đạt kết quả tốt nhất về nội dung và chất lượng.

Nguồn: Báo Bắc Ninh