Hội thảo Khoa học “Sử học với việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa”

07/12/2013 03:50
Sáng 6/12, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học & kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Sử học với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Dự hội thảo có GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS VN, ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội KHLS VN. Về phía tỉnh Bắc Ninh có các đồng chí Trần Văn Túy, UV TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Tử Quỳnh, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh; đồng chí Ngô Văn Diện, UV BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bày tỏ niềm vinh dự, tự hào là một trong những địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng vào bậc nhất cả nước. Tỉnh Bắc Ninh vinh dự được chọn là địa phương tổ chức hội thảo khoa học có ý nghĩa nhân văn này. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: sử học có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc nói chung và của Bắc Ninh nói riêng. Đồng thời, khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm và xác định việc học tập, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trước nhất. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn: qua hội thảo, Bắc Ninh sẽ được bổ sung thêm vốn kiến thức về lịch sử văn hóa. Từ đó, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu về lịch sử vùng đất văn hiến khoa bảng, góp phần giữ gìn và phát huy tốt các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong sự nghiệp xây dựng tỉnh Bắc Ninh thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Trong lời phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS Phạm Mai Hùng đã phân tích mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, biện chứng giữa hoạt động sử học với việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa, vai trò của di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử văn hóa nói riêng trong việc tạo nguồn nội lực để bảo vệ và xây dựng đất nước. Điều này cũng đã được khẳng định bởi rất nhiều nhà nghiên cứu sử học, biên soạn lịch sử từ trước tới nay

Tại Hội thảo, các tham luận cũng đã nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan và mang tính cập nhật về thực trạng công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những thành tựu đạt được, những tiến bộ trong thời gian gần đây và những mặt chưa được, thậm chí thất bại dẫn đến sự biến dạng, sự hủy hoại yếu tố gốc của di sản đã và đang gây lo âu cho xã hội. Trên cơ sở đó, đưa ra bài học kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Những đóng góp cho Bắc Ninh tại hội thảo sẽ là cơ sở khoa học và pháp lý để tỉnh Bắc Ninh xây dựng và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Giáo sư Phan Huy Lê ghi nhận và trân trọng những bước tiến, những thành tựu trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các ngành, các địa phương, các đơn vị trong thời gian qua. Trên cơ sở những tham luận được đưa ra tại hội thảo, Giáo sư Phan Huy Lê cũng chỉ ra những vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay. Trong đó có vấn đề phổ cập Luật Di sản Văn hóa, nâng cao nhân thức của chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư, vấn đề giải quyết những mâu thuẫn đang diễn ra giữa bảo tồn và phát triển, giữa yêu cầu bảo tồn và trình độ của cán bộ, hạn chế của nguồn kinh phí. Chủ tịch Hội KHLS VN cũng đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Với Bắc Ninh, là vùng trọng điểm của cái nôi văn hóa vùng châu thổ sông Hồng, là địa phương chứa đựng một kho tàng di sản lịch sử - văn hóa: như Chùa Dâu, bia Nhân Thọ xá lợi tháp, bia Giao Châu mục Đào hầu. Đặc biệt, di tích Chùa Dạm đang được khai quật được coi có mặt bằng kiến trúc một quốc tự tương đối toàn vẹn và cổ nhất. Nếu được quy hoạch phù hợp sẽ đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của các tín đồ và du khách thập phương mà vẫn giữ được các giá trị văn hóa cổ.
Nguyên A Tuấn
Nguồn: BBN