Hướng dẫn tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
(BNP) - Ngày 23/9/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 168-HD/BTGTW tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Toàn văn bản Hướng dẫn:
Nhằm tạo sự thống nhất nhận thức tư tưởng chính trị và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng - Đại hội đề ra những định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về những thành tựu của đất nước sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; những tư tưởng chỉ đạo chiến lược, chủ trương lớn của Đảng ta về định hướng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới; qua đó tạo cục diện “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tận dụng thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tăng tốc, bứt phá, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Công tác tuyên truyền cần bám sát định hướng chính trị, tư tưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương; bảo đảm xuyên suốt, đồng bộ, kiên trì, thường xuyên, lâu dài, có điểm nhấn, có trọng tâm, trọng điểm; thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.
II. LỘ TRÌNH VÀ NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Giai đoạn từ nay đến hết năm 2024, tập trung tuyên truyền nội dung:
1.1. Tuyên truyền “Niềm tin mới, khí thế mới”
- Phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình, những thời cơ, thuận lợi, cũng như khó khăn, thách thức tác động đến nước ta từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, qua đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; sự điều hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tình hình đất nước tiếp tục ổn định và phát triển với nhiều dấu ấn nổi bật: các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra; tăng lương nhưng không tăng giá; các điểm nghẽn, rào cản được nhận diện trực diện và quyết liệt tháo gỡ; xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, góp phần làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, niềm tin của Nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại tiếp tục được nâng tầm…
- Khẳng định sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng sau khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với số phiếu tuyệt đối (100%) tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 03/8/2024; đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kế thừa, phát huy những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thế hệ lãnh đạo đi trước; có nhiều hoạt động, phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực (gồm cả đối nội và đối ngoại) thể hiện tư tưởng, tầm nhìn chiến lược gắn với hành động thực tế, được cán bộ, đảng viên, dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, kỳ vọng vào sự vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới.
- Chú trọng phân tích, lan tỏa những quan điểm, tư tưởng, định hướng lớn của đồng chí Tổng Bí thư được thể hiện qua phát biểu khai mạc, bế mạc tại Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII); phát biểu tại Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024); bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”; bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; bài viết “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”; phát biểu tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng; phát biểu tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát biểu tại Hội nghị gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phát biểu tại cuộc gặp mặt đại biểu, kiều bào tiêu biểu nhân dịp về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4; phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…
1.2. Tuyên truyền “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế đất nước sau 40 năm đổi mới” (chắt lọc từ kết quả tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới đất nước và các nghiên cứu, phân tích, đánh giá, so sánh cụ thể trên các lĩnh vực).
- Khẳng định sau 40 năm đổi mới “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (P5), các nước lớn và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế…
- Phân tích sâu sắc những nhân tố làm nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử sau 40 năm đổi mới, đó là tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt về độc lập, tự do, hạnh phúc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng luôn lấy việc phục vụ Nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu, luôn trung thành tuyệt đối với lợi ích của dân tộc, của Nhân dân, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, đã chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, lập nên nhiều kỳ tích.
- Phân tích, nêu bật những thành tựu lý luận của Đảng ta trong 40 năm đổi mới đất nước: Xác định, bổ sung, định hình ngày càng rõ hơn nội dung các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam trên cơ sở nhận thức đúng đắn về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của Việt Nam; Đảng ta đã tiến hành đổi mới tư duy, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đất nước, xác lập mục tiêu phát triển trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; tổng kết, kế thừa, làm rõ phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phát hiện và xác định các mối quan hệ lớn cần giải quyết trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước; hình thành khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; nhận thức ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn về động lực và nguồn lực xây dựng chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam, đặc biệt là đề cao vai trò của văn hóa với tư cách là sức mạnh nội sinh, xung lực quan trọng của quá trình phát triển đất nước; tập trung xác lập mục tiêu, hệ giá trị nhân văn của chủ nghĩa xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới; lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố, phát triển; phát triển lý luận về vai trò, sứ mệnh của Đảng, đặc biệt là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh…
- Tuyên truyền, khẳng định tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; sự gắn bó mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, với chính quyền và các cơ quan Nhà nước; ý Đảng - lòng dân; tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới đất nước.
- Tuyên truyền những đánh giá tích cực của các nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà nghiên cứu và báo chí, truyền thông quốc tế đối với Việt Nam.
1.3. Tuyên truyền “Thời cơ, thách thức và trách nhiệm lịch sử của Đảng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”
- Phân tích đánh giá những biến chuyển mang tính thời đại của tình hình thế giới, khu vực; những khó khăn, thách thức và cơ hội mang đến cho Việt Nam; mục tiêu, tầm nhìn, triển vọng phát triển đất nước với các dấu mốc lịch sử đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền bảo đảm Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ đang đặt ra cấp bách.
- Khẳng định Đảng ta kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc; nghiên cứu lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để định ra phương pháp cho Cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
- Nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá rất cao sự bản lĩnh và đoàn kết, thống nhất trong Đảng từ lãnh đạo chủ chốt đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng là hạt nhân để tăng cường đoàn kết trong Đảng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ hội lịch sử để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy thành tựu có ý nghĩa lịch sử đã đạt được qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta vươn mình trong kỷ nguyên mới.
1.4. Phân tích, lý giải một cách khoa học, thuyết phục những tư tưởng chỉ đạo mang tầm chiến lược được thông qua tại Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII, trong đó chú trọng, làm rõ và sâu sắc một số nội dung quan trọng:
- Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2025. Nhiệm vụ này cần các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất; tập trung mọi nguồn lực, biện pháp, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
- Nhệm kỳ Đại hội XIV, tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người và khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, thiết thực kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành mục tiêu 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV là công việc hệ trọng; là “then chốt” của “then chốt”, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước phải là một tập thể trong sạch, vững mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực lãnh đạo và uy tín; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân.
- Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là Chính phủ, người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương phải thực sự quyết tâm, quyết làm, có các giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Trung ương thông qua; đạt cho được các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu GDP và tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Cần chú trọng tập trung cao nhất các giải pháp ưu tiên để bảo đảm tăng trưởng cao của nền kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho đời sống người dân, đặc biệt là đối với các địa phương chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 3; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và không ngừng nâng cao vị thế và đóng góp của Việt Nam vào hoà bình, ổn định phát triển của khu vực và thế giới.
2. Giai đoạn từ năm 2025 đến Đại hội XIV của Đảng, tập trung tuyên truyền các nội dung:
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung trọng tâm đã nêu ở Mục 1 (1.1; 1.2; 1.3) gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng và gắn với tuyên truyền kỷ niệm những ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025 như: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025); 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 135 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025); 80 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025); 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026)… Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công cuộc đổi mới đất nước, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Tuyên truyền đậm nét việc triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2025 và các năm tiếp theo; phản ánh quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở bộ, ngành, địa phương; cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân phát huy cao độ tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, đoàn kết, tin tưởng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), tạo tiền đề vững chắc để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo (2026 - 2030), góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội XIV của Đảng.
- Thông tin đối ngoại về những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước; củng cố mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam đối với các đối tác; quảng bá hình ảnh Việt Nam hòa bình, hợp tác và phát triển; thông tin tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia, vấn đề dân chủ, quyền con người; qua đó tạo sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Trên báo chí, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.
2. Tổ chức hội nghị nội bộ của Đảng (hội nghị cấp ủy mở rộng, hội nghị sinh hoạt đảng): cấp ủy, tổ chức Đảng tuyên truyền, quán triệt, phổ biến.
3. Tuyên truyền qua hội nghị (báo cáo viên, sinh hoạt của các đoàn thể thường kỳ...); tổ chức hội thảo, tọa đàm.
4. Tuyên truyền thông qua bản tin thông báo nội bộ, các tài liệu, ấn phẩm sách, tờ gấp với nội dung phong phú, dễ hiểu, hướng đến nhiều đối tượng.
5. Tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, đội truyền thông lưu động, phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên.
6. Tuyên truyền, cổ động trực quan; xây dựng các khẩu hiệu, panô, áp phích tại các cửa ngõ đô thị, trục đường chính, khu hành chính, trung tâm văn hóa thể thao, khu đô thị, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học...
7. Tuyên truyền qua hoạt động văn hóa - văn nghệ; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn trong Đảng và xã hội.
8. Tuyên truyền trên Internet nhất là mạng xã hội.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương
- Phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt công tác tuyên truyền bảo đảm xuyên suốt, đồng bộ, liên tục, sâu rộng, chặt chẽ, quyết liệt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân bằng các hình thức phù hợp như Mục II, III của Hướng dẫn.
- Thực hiện tốt việc nắm chắc và theo dõi chặt chẽ tình hình, tư tưởng tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; chủ động dự báo những vấn đề tư tưởng nảy sinh; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố tác động; chủ động, tích cực xây dựng các phương án tuyên truyền để góp phần ổn định tình hình tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy tâm trạng xã hội tích cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
- Động viên, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương
- Xây dựng và ban hành Kế hoạch cụ thể để chỉ đạo tăng cường công tác thông tin trong nội bộ đảng đến chi bộ cơ sở; tuyên truyền ngoài xã hội đến các tầng lớp Nhân dân.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền ở Trung ương và địa phương.
3. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương
- Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của các giai tầng, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong đời sống sinh hoạt của đoàn viên, hội viên, qua đó tham mưu, đề xuất kịp thời với cấp ủy những biện pháp ổn định tình hình tư tưởng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực lao động, sản xuất, học tập và công tác; đề cao tinh thần cảnh giác, nhất là thời điểm cận kề tổ chức Đại hội XIV của Đảng, không tụ tập đông người, kiên quyết không để các thế lực xấu, thù địch lôi kéo tham gia vào các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội cùng với Đảng, Nhà nước tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động xã hội xoá đói, giảm nghèo; phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân tương ái”, đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhất là đồng bào chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 vừa qua nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống; góp sức thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên toàn quốc theo chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.
- Vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và các cấp hội, đoàn tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội… góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
4. Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương: Chỉ đạo làm tốt công tác thông tin đối ngoại, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết các nội dung trọng tâm tuyên truyền đối ngoại theo từng thời điểm; chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài, đồng thời phản ánh sinh động, đa dạng qua nhiều kênh, trong đó đẩy mạnh qua hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; phỏng vấn chuyên gia, học giả, đại diện các hội hữu nghị Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về những thành tựu quan trọng, toàn diện mà đất nước đã đạt được qua gần 40 năm đổi mới và nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lan tỏa các đánh giá tích cực của báo chí, truyền thông quốc tế đối với Việt Nam. Đồng thời, cung cấp kịp thời thông tin cho báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam, các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các đối tác, bảo đảm thế chủ động trong thông tin của ta, nhất là trên không gian mạng.
5. Ban Chỉ đạo 35 các các cấp, các ngành
Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các lực lượng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên tuyền, lan tỏa thông tin tích cực, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, duy trì thường xuyên hoạt động “phủ xanh” thông tin tích cực và đấu tranh phản bác thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; kết hợp hiệu quả giữa “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phát huy hiệu quả các trang, nhóm, tài khoản mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, góp phần tăng cường nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ. Phối hợp tham mưu, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường rà quét, nắm chắc tình hình không gian mạng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân tán phát thông tin bịa đặt, sai sự thật, cổ xúy hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng.
6. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương
- Chủ động tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, định hướng và tổ chức triển khai công tác quán triệt, tuyên truyền các nội dung đã nêu, bảo đảm thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Chú trọng tuyên truyền trên báo chí, tuyên truyền miệng và các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn.
- Biên tập, đưa nội dung tuyên truyền theo định hướng tại Hướng dẫn này vào các ấn phẩm tuyên truyền như: Bản tin sinh hoạt chi bộ, Thông tin công tác tuyên giáo của ngành, đoàn thể, địa phương.
- Vận động cán bộ, chuyên viên ban tuyên giáo các cấp chủ động tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, chính thống, nhất là trên báo chí và các trang mạng xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, định hướng việc đăng tải thông tin, tuyên truyền trên báo chí, Internet, mạng xã hội. Phối hợp nắm, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn để đề xuất, tham mưu cấp ủy các giải pháp ổn định tình hình tư tưởng (nếu có).
7. Các cơ quan báo, đài Trung ương và các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, đoàn thể
- Thực hiện đăng tải toàn văn nội dung Hướng dẫn này của Ban Tuyên giáo Trung ương. Phát huy vai trò nòng cốt, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung nêu tại Mục II; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, nhất là lộ trình triển khai các tuyến tin, bài về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng một cách bài bản, khoa học.
- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình tuyên truyền, mở đợt cao điểm tuyên truyền đậm nét về kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, thông báo, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bài viết, bài nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đồng thời tăng cường tuyến tin, bài, phóng sự tuyên truyền về những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân Anh hùng, chiến sỹ thi đua, các điển hình tiên tiến; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng Đại hội XIV của Đảng.
Tổ chức các cuộc tọa đàm, diễn đàn để làm sâu sắc, sáng rõ hơn những thành tựu, dấu ấn nổi bật đất nước ta đã đạt được thời gian qua; chủ trương, quan điểm, định hướng, quyết sách lớn nhằm tăng tốc “về đích”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
- Lãnh đạo các cơ quan báo chí đề cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng đổi mới, sáng tạo hình thức thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thông tin đầy đủ, kịp thời; nội dung nhất quán, sâu sắc, có sức thuyết phục cao, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khắc phục khuynh hướng coi nhẹ biểu dương mà nặng về phê phán, bảo đảm thông tin tích cực chiếm tỷ lệ lớn trên các mặt báo và mạng xã hội; thường xuyên kiểm duyệt chặt chẽ các tin, bài, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng tư tưởng chính trị, góp phần quan trọng tạo nên sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.