Khai mạc Lễ hội Phật giáo Ấn Độ tại Chùa Phật Tích (Bắc Ninh)
(BNP) - Nằm trong khuôn khổ hợp tác văn hóa Ấn Độ và Việt Nam, tối 14/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Lễ hội Phật giáo Ấn Độ tại Chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Tham dự buổi Lễ, về phía Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Bắc Son, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Thư kí Ban Thường trực Hội đồng chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Về phía Ấn Độ có bà Preetie Saran, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, cùng các vị Đại sứ, Tham tán, Trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội.
Về phía tỉnh Bắc Ninh có đồng chí: Trần Văn Túy, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Đăng Túc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Ngô Văn Diện, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng hơn 3000 nghìn tăng ni, phật tử trên cả nước đã về dự.
Chùa Phật tích là ngôi chùa có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh, một trong những cái nôi Phật giáo Việt Nam, nơi mà cách đây 2.000 năm đã có dấu chân của nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La cùng các đoàn thuyền buôn theo “con đường tơ lụa” trên biển đến hướng dẫn người Việt thực hành Đạo Phật và trở thành trung tâm Phật giáo sớm nhất vào đầu Công nguyên.
Lễ hội Phật giáo Ấn Độ được tổ chức với sự tham gia của 20 nhà sư đến từ dãy Himalaya, gồm nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó có việc giới thiệu về nghi lễ tâm linh dựng hình đồ “Mạn đà la” bằng cát, nói về sự màu nhiệm của Pháp giới Phật đem đến sự bình an, sức khỏe, sự may mắn, thịnh vượng và trí tuệ.
Bên cạnh các tiết mục văn hóa của các vị sư Việt Nam, các vị sư đến từ Ấn Độ biểu diễn những điệu múa Cham linh thiêng hay còn gọi là múa thần linh với mặt nạ và trang phục đặc trưng vô cùng đặc sắc và sống động. Các vũ điệu tượng trưng cho sự hỷ lạc và giải thoát hay nhắc nhở mọi người rằng vạn vật là vô thường.
Lễ hội Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam là cơ hội để tôn vinh giá trị văn hóa Ấn Độ trong lòng Việt Nam, đồng thời thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị bang giao lâu đời giữa hai dân tộc và Phật giáo hai nước Việt - Ấn.
Nguồn:
BBN