Khái quát tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh năm 2020
1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020
Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9; năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp và triển khai công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19 đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, song đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đồng lòng và quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa ổn định phát triển kinh tế nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đắc lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà.
Sau hơn 20 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong tốp đầu cả nước. Tuy bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhưng kinh tế trong năm 2020 phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng 1,36%, quy mô GRDP (giá so sánh 2010) tiếp tục được mở rộng, ước đạt 122,67 nghìn tỷ đồng, duy trì vị trí thứ 8 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người ước 144,5 triệu đồng, gấp 2,1 lần so với bình quân cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 79,9 triệu đồng/ năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển đúng hướng, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ lệ 75,9%; dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 21,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,8%.
Về thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước đạt 30.547 tỷ đồng, tăng 4,2% so với dự toán năm, trong đó thu nội địa ước 24.169 tỷ đồng, tăng 6,2% so với dự toán năm.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1,3 triệu tỷ đồng (giá hiện hành) tăng 2,19% so với năm 2019, xuất khẩu hàng hóa ước 38,9 tỷ USD, tăng 14,3%; nhập khẩu 33,14 USD, tăng 18,1%. Dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và sản xuất kinh doanh.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 8.032 tỷ đồng (giá so sánh 2010), giảm 1,1%. Chương trình nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, năm 2020 đã có 100% số xã trên địa bàn toàn tỉnh (94/94 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 huyện, thị xã, thành phố đủ điều kiện, đạt chuẩn nông thôn mới; và tiếp tục tiến tới triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Về giải quyết việc làm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 27.500 người lao động (trong đó đưa 1.800 người lao động đi làm việc ở nước ngoài), tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên 75%. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ 877 nhà ở cho người có công với tổng kinh phí là 53,93 tỷ đồng và 463 nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí 30,5 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,04%.
Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được chú trọng; triển khai thực hiện quy hoạch các khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh, Hanaka, Yên Phong mở rộng; thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, khởi công xây dựng khu công nghiệp Yên Phong II-C,…
Thu hút đầu tư nước ngoài thêm 967 triệu USD, cấp mới và điều chỉnh thu hút đầu tư trong nước 10,66 nghìn tỷ; thành lập 18.879 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 284 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động công nghệ thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index) xếp hạng 6/63, tăng 5 bậc; chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố (tăng 8 bậc); dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 38,6%, mức độ 4 đạt 35,6%.
Cùng với đó, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh để phát triển. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, nhất là thu hút các nhà đầu tư đô thị lớn, thúc đẩy dịch vụ du lịch, thương mại của tỉnh theo hướng bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng đô thị thông minh, hoàn thiện các tiêu chí Bắc Ninh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.
2. Phương hướng, mục tiêu năm 2021
Chủ đề của năm 2021: “Đoàn kết – Sáng tạo – Trách nhiệm – Nêu gương; tập trung phòng chống dịch Covid-19; phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026”.
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2021:
Tổng sản phẩm kinh tế (GRDP) tăng 4-5% so với năm 2020.
GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) là 149,4 triệu đồng/ người.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 68,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 36,5 tỷ USD.
Tỷ lệ vốn đầu tư so với GRDP năm 2021 đạt 34,6%.
Tổng thu ngân sách nhà nước 27.839 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 22.319 tỷ đồng; Chi ngân sách nhà nước 19.055 tỷ đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2021 là 1,1%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ của năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển 5 năm 2021 – 2025, năm có ý nghĩa quan trọng làm tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo. Tỉnh Bắc Ninh sẽ phát huy những truyền thống tốt đẹp và thành quả đạt được, tận dụng thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra hướng đến sự phát triển bền vững.