Khẳng định vị thế tốp đầu cả nước trong phát triển GD&ĐT

22/09/2020 08:17

(BNP) - Kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến, khoa bảng, những năm qua, nhất là trong giai đoạn 2015 – 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật, góp phần thực hiện tốt mục tiêu “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT”, tiếp tục giữ vững vị trí nằm trong tốp đầu toàn quốc về phát triển GD&ĐT.

Trường THPT Chuyên Bắc Ninh được quan tâm, đầu tư từ cơ sở vật chất đến chế độ đối với giáo viên và học sinh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đưa ra mục tiêu phát triển GD&ĐT là thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, đảm bảo các cấp học và đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ, đồng bộ, đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn; 100% các trường được kiên cố hóa và đạt chuẩn Quốc gia…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án nhằm phát triển toàn diện GD&ĐT như: Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020”; Nghị quyết số 64/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc “Hỗ trợ thực hiện Chương trình “Sữa học đường” trong các cơ sở giáo dục Mầm non và các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020”; Quyết định số 366/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng mũi nhọn Trường THPT Chuyên và 8 Trường THCS trọng điểm giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”; chính sách hỗ trợ phát triển trường ngoài công lập…

Trong đó, Đề án “Nâng cao chất lượng mũi nhọn Trường THPT Chuyên và 8 Trường THCS trọng điểm giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” được xem là một trong những chính sách đột phá của tỉnh về đầu tư phát triển giáo dục mũi nhọn. Năm 2016, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh được khánh thành và đưa vào sử dụng với quy mô đồng bộ, hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế. Các trường THCS trọng điểm cũng được đầu tư, quan tâm hỗ trợ từ cơ sở vật chất đến chế độ đối với giáo viên và học sinh, qua đó, tác động tích cực đến chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh đạt giải trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm sau cao hơn năm trước và luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Năm học 2019 – 2020, tỷ lệ học sinh đạt giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia đạt 88,89%, cao nhất từ trước đến nay và đứng trong tốp 3 cả nước, trong đó có 01 học sinh tham dự và đạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu; 01 học sinh dự thi Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương. Lần đầu tiên tỉnh có dự án dự thi đạt giải quốc tế Cuộc thi KHKT sáng tạo dành cho học sinh phổ thông (02 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc)…

Song song với việc đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tỉnh cũng chú trọng duy trì, đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà ở mức cao. Tỷ lệ học sinh Tiểu học hoàn thành chương trình cấp học và tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt trên 99%/năm; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97%/năm; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào Đại học, Cao đẳng tăng rất nhanh, trung bình đạt gần 60%/năm. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp được củng cố vững chắc. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ cao nhất.

Trường Tiểu học, THCS Khúc Xuyên được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Quy mô, mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng, bố trí hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đến nay, 99,78% các trường công lập được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ kiên cố hóa phòng học đạt 100%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được đầu tư cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu, có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao, đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD&ĐT.

Để phát triển cả thể chất và trí tuệ cho trẻ em - thế hệ tương lai, tỉnh đã quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Sữa học đường” dành cho trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học. Nhờ đó, giai đoạn 2017 – 2020, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ giảm từ 3,35% xuống còn 1,6%, mẫu giáo giảm từ 3,5% xuống 2,31%; thể thấp còi ở nhà trẻ giảm từ 4,5% xuống 3,5%… Hiện, tỉnh đã tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình “Sữa học đường” trong giai đoạn 2020 – 2025 với lộ trình cụ thể từng năm học.

Những kết quả đạt được trong phát triển GD&ĐT đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, đồng thời, là tiền đề quan trọng để ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế, giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước đáp ứng yêu cầu “Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT”.

T.L