Khởi nghiệp thành công nhờ các sản phẩm chế biến từ củ sen

03/12/2024 07:30

(BNP) - Với sự nhiệt huyết, chăm chỉ cùng tinh thần đổi mới, sáng tạo, chị Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1971) ở thôn Bùng, xã Bình Dương, huyện Gia Bình đã khởi nghiệp thành công với các sản phẩm chế biến từ củ sen. Đến nay, các sản phẩm: trà củ sen, tinh bột củ sen của chị được thị trường đón nhận, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm đẹp cảnh quan môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sản phẩm trà củ sen và tinh bột củ sen.

Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, chị Thúy cho biết, sinh ra và lớn lên tại thôn Bùng, xã Bình Dương, huyện Gia Bình - một miền quê thuần nông nên ngay từ nhỏ, chị Thúy đã chứng kiến sự vất vả, khó khăn - khó làm giàu của nhà nông. Vì vậy, chị luôn nung nấu quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình. Sau thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu ở nhiều nơi, năm 2019, chị mạnh dạn thuê 30ha ruộng trũng tại thôn Bùng để đầu tư trồng sen, để phát triển kinh tế gia đình.

Theo chị Thúy, cây sen dễ trồng, ít bị sâu bệnh, hiện gia đình chị đang trồng sen lấy củ với 2 giống sen hương và sen ngọt. Sen lấy củ được trồng 2 vụ/năm. Với 30ha trồng sen các loại, tôi thu về khoảng 240 tấn sản phẩm thu hoạch mỗi năm.

Chị Nguyễn Thị Thúy giới thiệu về các sản phẩm từ củ sen.

Để tiêu thụ được hết số nông sản này là bài toán không hề nhỏ đối với gia đình chị Thúy. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi ở một số cơ sở chế biến các sản phẩm củ sen trên cả nước, chị Thuý đã quyết đầu tư hệ thống máy móc gồm máy thái, máy nghiền, máy lọc bột, tủ sấy đa năng để sản xuất tinh bột củ sen và trà củ sen nhằm đa dạng hoá các sản phẩm từ sen, đồng thời giảm bớt áp lực tiêu thụ trong thời điểm chính vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác.

Theo chị Thúy, quy trình chế biến tinh bột củ sen tuy không phức tạp nhưng trải qua khá nhiều công đoạn khác nhau nên người làm cần kiên trì và cẩn thận. Củ sen để làm tinh bột được lựa chọn phải đảm bảo một số tiêu chí như sen bánh tẻ, không được non quá cũng không già quá để cho tinh bột nhiều nhất; chất lượng củ phải đồng đều và đặc biệt củ sen sau khi thu hoạch không được để quá 2 ngày mới đưa vào chế biến. Trung bình khoảng 16kg củ sen tươi sẽ về được khoảng 1kg tinh bột.

Củ sen tươi khi được đào lên được rửa sạch để chuẩn bị cho các công đoạn chế biến.

Ngoài chế biến tinh bột củ sen, để khai thác tối đa hiệu quả hệ thống máy móc đã đầu tư, cơ sở sản xuất của chị còn nghiên cứu chế biến thêm sản phẩm trà củ sen. Trà củ sen và tinh bột củ sen có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhất là trị các bệnh về đường hô hấp, đường máu... và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện các sản phẩm từ củ sen của chị được bán chủ yếu qua các kênh bán hàng truyền thống thông qua các mối quen ở trong và ngoài tỉnh. Hiện sản phẩm tinh bột củ sen được bán với giá khoảng 600 nghìn đồng/kg; trà củ sen 300 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi tháng chị Thuý cung cấp ra thị trường gần 1.000 sản phẩm các loại từ sen, phân phối tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Các khâu làm tinh bột củ sen và trà củ sen đều được sử dụng máy móc tự động và bán tự động.

Chị Thúy cho biết: Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, chị cũng mong muốn việc sản phẩm trà củ sen và tinh bột củ sen của chị tham gia chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2024 sẽ là bước tiến quan trọng, giúp các sản phẩm từ củ sen được nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị thương hiệu, qua đó, mở rộng thị trường, giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận, sử dụng những sản phẩm tốt nhất.

N.N