Khuyến cáo về cúm mùa và biện pháp phòng ngừa

10/02/2025 13:30

(BNP) - Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp do vi rút cúm A hoặc cúm B gây ra và lây lan trực tiếp từ người sang người. Bệnh cúm mùa ảnh hưởng đến hệ hô hấp, chủ yếu là mũi và cổ họng với các triệu chứng thường gặp là sốt, ho, nhức đầu, đau cơ và mệt mỏi. Do đó cần chủ động trong việc phòng chống và nhận biết bệnh.

Khi có các triệu chứng sốt cao từ 2-3 ngày, ho nhiều, đau nhức cơ, hãy đến cơ sở y tế để được khám và điều trị phù hợp.

1. Cúm là gì?

Cúm là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, do virus (siêu vi) cúm gây nên. Virus cúm có 3 typ A, B, C trong đó typ A, B gây bệnh cho người.

 - Cúm A H1N1, H3N2 thường được gọi là cúm mùa và cúm A H5N1 (cúm gia cầm)

 - Chủng virus cúm sẽ thay đổi hàng năm

 - Triệu chứng của cúm khởi phát đột ngột và thường biểu hiện nặng nề hơn so với cảm lạnh

 - Bệnh cúm có nhiều biến chứng nghiêm trọng và có thể gây tử vong

 2. Triệu chứng cúm và các biến chứng

 Cúm có hai thể bệnh

 * Thể cúm thông thường: thường gặp với các triệu chứng Sốt cao, đau mỏi cơ nhiều, đau đầu, mệt mỏi và ho, khó chịu vùng ngực

 Phần lớn bệnh hồi phục sau vài ngày đến dưới 2 tuần         

* Một số trường hợp tiến triển sang: Thể cúm biến chứng như viêm xoang, viêm tai (mức độ vừa) và viêm phổi.

 - Viêm phổi có thể diễn tiến suy hô hấp rất nhanh, tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Biến chứng tại phổi có thể đơn thuần do virus cúm hoặc do đồng nhiễm giữa virus cúm và vi khuẩn.

 - Biến chứng ngoài phổi có thể gặp viêm cơ, tiêu cơ vân, viêm cơ tim và viêm não. Bệnh rất nặng có thể dẫn đến tử vong.

Khi có các triệu chứng sốt cao từ 2-3 ngày, ho nhiều, đau nhức cơ, hãy đi khám để được bác sĩ cho xét nghiệm, chẩn đoán bệnh và điều trị phù hợp.

 - Không nên tự ý lạm dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

 - Trường hợp cảm thấy khó thở, đau tức ngực, thay đổi tri giác, co giật cần nhập viện và xử trí phù hợp tuỳ theo thể bệnh.

 Các triệu chứng của cúm và cảm lạnh nhìn chung khá tương đồng, dựa trên lâm sàng rất khó phân biệt hai mặt bệnh. Có thể tham khảo để có những sự phân biệt tương đối.

 - Ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm, các bác sĩ có thể tiến hành làm xét nghiệm, bao gồm các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu và chụp Xquang phổi, cùng các xét nghiệm giúp chẩn đoán nhiễm cúm.

 - Hai xét nghiệm hiện được áp dụng trên thực hành là test nhanh Cúm A,B và RT-PCR trên mẫu dịch phết mũi họng.

 - PCR cúm là một xét nghiệm kỹ thuật cao, góp phần chẩn đoán xác định nhiễm cúm và định chủng virus cúm

 3. Đối tượng nguy cơ mắc cúm biến chứng nặng

Bệnh cúm xảy ra với bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, ngay cả người khỏe mạnh. Tuy nhiên.có những đối tượng cần phải lưu ý khi mắc bệnh cúm có thể diễn tiến nặng, cụ thể:

 - Người già trên 65 tuổi

-  Người có bệnh nền mãn tính hen, đái tháo đường, bệnh tim...

- Cơ địa suy giảm miễn dịch (sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh ung thư, ghép tạng).

 - Phụ nữ mang thai

 - Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 2 tuổi

* Virus cúm có thể kích hoạt một phản ứng viêm mạnh trong cơ thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, làm nặng nề thêm bệnh nền sẵn có của người bệnh. 

 4. Điều trị và phòng ngừa cúm

 - Cách ly tại nhà hoặc nhập viện theo chỉ định của bác sĩ

 - Điều trị hỗ trợ với hạ sốt, giảm đau, giảm ho

 - Thuốc kháng virus bắt đầu càng sớm càng tốt ngay khi khởi phát triệu chứng, hiệu quả nhất trong 2 ngày đầu khởi phát triệu chứng. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ có thể làm giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian bệnh khoảng 1 ngày, đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc biến chứng của cúm.

 - Kháng sinh không có vai trò trong điều trị cúm, trừ trường hợp nghi ngờ hoặc xác định có nhiễm trùng kèm theo.

 - Các trường hợp biến chứng nặng như suy hô hấp, suy đa cơ quan sẽ được điều trị tích cực trong môi trường hồi sức.

* Phòng ngừa: Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa cơ bản, việc tiêm ngừa cúm là hết sức cần thiết giúp bảo vệ bạn và cả gia đình phòng ngừa bệnh cúm nặng. Các loại vắc xin cúm tứ giá giúp bảo vệ chúng ta khỏi các chủng cúm A H1N1 và H3N2 và hai chủng cúm B.

 * Lịch tiêm cơ bản ở trẻ dưới 9 tuổi: hai mũi tiêm cách nhau 1 tháng, sau đó tiêm nhắc hàng năm.

* Ở trẻ trên 9 tuổi: tiêm 1 mũi cơ bản, sau đó tiêm nhắc hàng năm.

A.T