Kiểm tra hơn 2.100 cơ sở thực phẩm trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm
(BNP) - Trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024, các đoàn kiểm tra từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đã kiểm tra 2.167 cơ sở thực phẩm, xử lý hành chính 18 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 105 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra tại Siêu thị Dabaco Gia Bình.
Triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tuyến tỉnh, huyện, xã đã xây dựng, triển khai kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Công tác kiểm tra gắn liền với việc tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm để người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu và làm đúng theo Luật An toàn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm rau và thịt được sử dụng là các sản phẩm chính hàng ngày, giúp người tiêu dùng sáng suốt lựa chọn các sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Qua kiểm tra cho thấy, nhận thức, ý thức thực hành của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có vi phạm trong quá trình kiểm tra đã được các đoàn kiểm tra xử lý kịp thời, đúng quy định.
Trong dịp Tháng hành động năm 2024, tổng số cơ sở được kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh là 2.167 cơ sở, số cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm là 1.912 cơ sở (bằng 88%), số cơ sở chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm là 255 cơ sở (bằng 12%), số cơ sở có vi phạm bị phạt tiền là 18 cơ sở, tổng số tiền phạt là 105.050.000 đồng, số tiền phạt trung bình/cơ sở là 5,8 triệu đồng.
So sánh với kết quả kiểm tra trong dịp Tháng hành động năm 2023, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đã được triển khai quyết liệt hơn: số cơ sở được kiểm tra năm 2024 nhiều hơn năm 2023 là 185 cơ sở, số cơ sở vi phạm năm 2024 ít hơn số cơ sở vi phạm năm 2023 là 144 cơ sở, số tiền phạt năm 2024 cao hơn số tiền phạt năm 2023 là 35.800.000 đồng.
Các lỗi vi phạm được tiến hành xử phạt liên quan như: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 03 bước trong chế biến suất ăn công nghiệp; buôn bán sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm nhưng không có hồ sơ tự công bố theo quy định; bảo quản thực phẩm không đúng quy định; buôn bán thực phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín; chế biến thực phẩm trên thiết bị không đảm bảo vệ sinh…
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số khó khăn như: Có nhiều cơ sở mới đăng ký hoạt động trong năm, cơ sở cung cấp suất ăn với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh nhưng không được phê duyệt trong danh sách được thanh tra, kiểm tra nên tỷ lệ cơ sở được kiểm tra so với số cơ sở được quản lý trên địa bàn còn thấp; Hoạt động quản lý an toàn thực phẩm ở cấp xã, phường còn hạn chế; Ý thức của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn hạn chế; công tác quản lý các cơ sở thức ăn đường phố nhỏ lẻ còn nhiều khó khăn…
Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiếp tục quan tâm, tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm tại tuyến huyện, xã; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và các cơ sở trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý và tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; có cơ chế khen thưởng kịp thời và cơ chế xử lý mang tính quyết liệt, xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.