Kinh tế Bắc Ninh 25 năm tái lập: Con đường và hiện thực hóa khát vọng

18/02/2022 15:33

(BNP) - Trong xu hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay cho thấy, phát triển vùng, lãnh thổ chính là quá trình phát huy lợi thế so sánh để đem đến lợi ích của người dân địa phương và đóng góp vào sự thịnh vượng quốc gia. Tỉnh Bắc Ninh 25 năm qua, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy đã đã định vị con đường và bước đi đột phá để vươn tới cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và kết nối các cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Năm 1997, khi mới tái lập tỉnh - Bắc Ninh vẫn là tỉnh thuần nông, đóng góp không đáng kể vào GDP cả nước. Nhờ định hướng đúng, với sự năng động, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nên quy mô kinh tế đã tạo bước đột phá. Nếu như giai đoạn 1997-2010 là những năm định hình mô hình phát triển kinh tế, với việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành các KCN tập trung, củng cố các cụm công nghiệp làng nghề, thu hút vốn đầu tư. Giai đoạn 2011-2021, với sự gia tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp FDI, đã tạo đà để Bắc Ninh “tăng tốc”. Đến năm 2021, quy GRDP đã tăng lên 227,7 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 8; GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, xếp thứ 4 toàn quốc. Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,9%/năm, có nhiều dấu ấn quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước.

Với chính sách năng động, môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, Bắc Ninh đã thu hút các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ,... trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao phía Bắc.

Cơ cấu kinh tế Bắc Ninh đã trải qua hai điểm uốn quan trọng: năm 2001, tỷ trọng công nghiệp chiếm cao nhất trong cơ cấu ngành kinh tế; năm 2011, tỷ trọng khu vực FDI chiếm cao nhất trong cơ cấu thành phần kinh tế.

Con đường phát triển Bắc Ninh có hai cột mốc quan trọng: năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 theo kế hoạch phát triển đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nguyễn Phương Bắc.

Bắc Ninh hiện nay đang hướng vào một điểm uốn tăng trưởng mới, mang tính chất chuyển biến về không gian kinh tế đô thị và phát triển hạ tầng các khu vực chức năng Vùng để Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm tới. Bắc Ninh đất đai không nhiều, nên cần tập trung vào năng suất sử dụng không gian và tạo ra lợi thế từ tụ hội đô thị do phát triển công nghiệp hiện đại. Quy hoạch mạng lưới giao thông bổ sung, hỗ trợ các hành lang hiện có. Chính sách vượt trội ở Bắc Ninh chính là biến Bắc Ninh trở thành các trung tâm tăng trưởng với tư cách chức năng của vùng, phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với hình thành hệ sinh thái phát triển địa phương như trung tâm thương mại, dịch vụ đổi mới sáng tạo, nghiên cứu triển khai, công nghệ bán dẫn, công nghiệp thông tin, trí tuệ nhân tạo; khu công nghiệp sinh thái, phát triển kinh tế tuần hoàn, xanh hóa sản xuất và tiêu dùng.

Tỉnh Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn với nhiều cơ hội mới trong phát triển, nhưng hiện tại ở nấc thang cao hơn, đòi hỏi quá trình đổi mới cần sâu sắc hơn, biến “đất chật người đông” thành lợi thế của quá trình đô thị hóa theo quy hoạch bài bản.  Phát huy động lực mạnh mẽ, từ tính đồng thuận có được bởi lối sống, văn hóa truyền thống Kinh Bắc.  Đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ cũng cần chuyển đổi tư duy, nhận thức, để tiếp cận với cách thức làm việc mới, tinh thông hơn và chuyên nghiệp hơn, để quá trình tiệm tiến trở thành những tọa độ tăng trưởng đột phá, động lực phát triển mới. Đó chính là con đường và những bước đi hiện thực hóa khát vọng; nâng cấp giá trị Bắc Ninh đương đại và hội nhập, từ niềm tự hào truyền thống và bản sắc, hiện thực hóa tầm nhìn phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

TS. Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh