Kỷ niệm 1.000 năm Ngày sinh Thái úy Lý Thường Kiệt (1019 - 2019)

17/05/2019 08:38

(BNP) - Tối 16/5, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Yên Phong long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1.000 năm Ngày sinh Việt Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt (1019 - 2019) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Tam Giang).

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt.

Tham dự có các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Văn Túy, Ủy viên TƯ Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông; Phạm Văn Rạnh, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.
 
Về phía tỉnh Bắc Ninh có các đồng chí: Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, các Mẹ Việt Nam anh hùng và đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương.
 

Các đồng chí lãnh đạo dâng hương tại Đền thờ Lý Thường Kiệt.

Diễn văn khai mạc của Chủ tịch UBND huyện Yên Phong nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 1.000 năm Ngày sinh Thái úy Lý Thường Kiệt tái hiện lại không khí hào hùng của những năm tháng lịch sử dưới thời Lý Thường Kiệt.
 
Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được ban quốc tính (được mang họ của vua), nên gọi là Lý Thường Kiệt. Ông sinh năm Kỷ Mùi (1019) vào thời vua Lý Thái Tổ, quê gốc ở làng An Xá, huyện Quảng Đức, kinh thành Thăng Long, mất năm Ất Dậu (1105) dưới thời vua Lý Nhân Tông.
 
Lý Thường Kiệt là nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc thời nhà Lý nước Đại Việt. Về chính trị, Lý Thường Kiệt là bậc đại danh thần, là chỗ dựa tin cậy và vững chắc của nhà Lý, đặc biệt dưới thời trị vì của Hoàng đế Lý Nhân Tông. Ông làm quan qua 3 triều vua: Lý Thái Tông (1028 - 1054), Lý Thánh Tông (1054 - 1072) và Lý Nhân Tông (1072 - 1127). Ông làm Tể tướng 2 lần dưới thời Lý Nhân Tông và là một trong ba người phụ chính khi vua còn nhỏ tuổi. Về quân sự, ông là bậc đại danh tướng, là linh hồn của những chiến công hiển hách trong lịch sử nước nhà ở thế kỷ XI. Ông nổi bật với việc chinh phạt Chiêm Thành (1069), đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống (1075 - 1076). Và đặc biệt, cách đây 942 năm, vào mùa Xuân năm 1077, trên bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu, xã Tam Giang, huyện Yên Phong) ông đã chỉ huy trận quyết chiến chiến lược của quân và dân Đại Việt đánh bại đại quân nhà Tống do Quách Qùy, Triệu Tiết chỉ huy, làm thất bại hoàn toàn cuộc xâm lược của nhà Tống.
 

Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành Nhà tả vu, hữu vu.

Trong lịch sử văn học, Lý Thường Kiệt là cây đại bút, nhiều tài liệu cho rằng ông là tác giả của “Nam quốc sơn hà” - áng hùng thi có giá trị thiêng liêng như bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước ta. Với những công lao hiển hách, Lý Thường Kiệt được cả triều đình nhà Lý trân trọng và tôn vinh. Tài năng quân sự kiệt xuất của ông làm kẻ thù khiếp đảm và nể phục. Năm 2013, ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách một trong 14 vị Anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của lịch sử Việt Nam.
 
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Khu Đền thờ Lý Thường Kiệt là công trình văn hóa góp phần tô thắm và làm dày thêm thành tựu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mang bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc, qua đó, tạo nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu công nghiệp - đô thị - dịch vụ của huyện Yên Phong, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 theo hướng “Hiện đại, văn hóa, sinh thái, tri thức và đô thị thông minh”.
         

Đại tướng Ngô Xuân Lịch trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Đền thờ Lý Thường Kiệt.

Để phát huy giá trị của di tích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Yên Phong chỉ đạo Ban Quản lý di tích xây dựng nội quy, quy chế hoạt động theo đúng quy định; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan đơn vị liên quan biên soạn tài liệu giới thiệu về di tích, công trạng danh nhân; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp để giới thiệu, quảng bá di tích cho nhân dân, du khách thập phương.
 
Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích theo quy định của pháp luật di sản văn hóa; kết nối với di tích gốc và tổng thể Khu du lịch lịch sử - văn hóa Chiến tuyến Như Nguyệt trên địa bàn; tuyên truyền, giáo dục khơi dậy truyền thống yêu nước, văn hiến, cách mạng của vùng đất Yên Phong, quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân phát tâm công đức tài trợ, ủng hộ đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại để Dự án hoàn thành vào dịp kỷ niệm 943 năm Chiến thắng Như Nguyệt, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.        
 

Tiết mục tái hiện hình ảnh Thái úy Lý Thường Kiệt.

Tại buổi Lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong.
 
Trước đó, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh đã đi dâng hương, trồng cây lưu niệm và cắt băng khánh thành hạng mục Nhà tả vu, hữu vu Đền thờ Lý Thường Kiệt.
S.T