Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ

23/10/2019 08:38

(BNP) - Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh. Mô hình nuôi thỏ của anh Phạm Trọng Thuần (sinh năm 1984), thôn Vệ Xá, xã Đức Long, huyện Quế Võ là một trong những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi với doanh thu trên 6 tỷ đồng/năm.

Anh Thuần đang kiểm tra chất lượng của thỏ thương phẩm.

Năm 2007, sau khi vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội với tấm Bằng Quản lý kinh tế trong tay, anh Thuần được nhận vào làm tại Công ty Cổ phần kính Glaco. Cảm thấy không thể nuôi vợ con bằng đồng lương ít ỏi, năm 2014, anh quyết định xin nghỉ việc, đầu tư tất cả vốn liếng vào nuôi thỏ. Khởi nghiệp với rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ biết nắm bắt thời cơ và bản tính chăm chỉ, cần cù, dám nghĩ dám làm, anh Thuần đã xây dựng cho mình một mô hình kinh tế khiến nhiều người mơ ước.
 
Anh Thuần cho biết: Trong thời gian làm việc tại Công ty cũ, tôi thấy bên cạnh công ty có một trang trại nuôi thỏ thương phẩm. Qua vài lần thăm quan, trao đổi việc nuôi thỏ từ chủ trang trại, đồng thời nhìn thấy những con thỏ lông trắng mượt đang ngấu nghiến gặm rau, củ, trong đầu tôi nung nấu ý tưởng phải quyết tâm làm giàu từ chính loài thỏ này.
 
Sau khi xin nghỉ việc về quê, anh gom góp được 400 triệu đồng, đầu tư chuồng trại và mua 50 cặp thỏ giống. Vừa nuôi anh vừa học hỏi kinh nghiệm, tuy nhiên, nuôi được gần một năm, chuẩn bị đến thời gian xuất chuồng thì cả đàn lăn ra chết do mắc bệnh tụ huyết trùng (bệnh đường máu). Không nản chí, cùng với sự động viên của gia đình, người thân, anh quyết định tiếp tục vừa nuôi thỏ vừa rút kinh nghiệm từ thất bại trước, nhất là nghiên cứu kỹ về các loại bệnh mà thỏ hay gặp phải, cách chữa trị và lên chế độ ăn uống phù hợp để thỏ tăng trưởng và phát triển tốt.
 
Giống thỏ ở trang trại anh Thuần nhập từ New Zealand, với trọng lượng trung bình con trưởng thành có thể đạt trên 4kg. Thỏ tầm 01 tuổi đến tuổi rưỡi có thể phối giống, mang thai khoảng 30-32 ngày là đẻ, trung bình đẻ khoảng 6 con, con non nuôi khoảng 3 tháng với cân nặng 2,3kg có thể xuất chuồng. Thỏ mẹ sau 35 giờ đẻ lại có thể tiếp tục phối giống tiếp.

 

Anh Thuần giới thiệu cho phóng viên hệ thống điều khiển tự động do anh và những người bạn sáng chế.
 
Sau khi việc nuôi thỏ đi vào ổn định, anh Thuần lại tìm kiếm thị trường để xuất thỏ, trời không phụ công người, anh được hãng dược phẩm Nippon Zoki (Nhật Bản) có nhà máy tại KCN Quế Võ chọn làm đối tác duy nhất tại Bắc Ninh chuyên cung cấp thỏ để sản xuất thuốc giảm đau, tăng khả năng miễn dịch cho con người. Đồng thời, anh cũng
 thành lập Hợp tác xã chăn nuôi thỏ Nhật – Việt, cùng với 5 hộ vệ tinh nuôi thỏ để cung cấp cho công ty.
 
Sau 5 năm đầu tư, anh Thuần đã thuê 14.000m2 đất nông nghiệp mở trang trại nuôi 800 con thỏ giống, cùng hàng nghìn thỏ thương phẩm, mỗi tháng xuất chuồng từ 2.500 – 3.000 con thỏ thương phẩm, với giá bán 178 nghìn đồng/con, đem lại doanh thu trung bình một năm trên 6 tỷ đồng. Hiện anh thuê 3 lao động chính với mức lương 6 triệu/người/tháng.
 
Anh chia sẻ những ấp ủ, dự định trong tương lai, ngoài việc tăng số lượng đàn thỏ, anh sẽ đưa vào sử dụng khu chăn nuôi thỏ rộng 400m2 có đầy đủ trang thiết bị theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, thức ăn, nước uống, khu xử lý nước thải được tự động hóa do chính anh và những người bạn sáng chế. Đồng thời, mở rộng thêm 1.000m2 khu chăn nuôi thỏ thương phẩm, xây dựng thương hiệu thỏ sạch trên địa bàn tỉnh và cả nước. Anh mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện về quỹ đất, hỗ trợ vốn mở rộng chăn nuôi để phát triển tối đa thế mạnh loài vật nuôi này.
 
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Võ cho biết: Mô hình nuôi thỏ của anh Phạm Trọng Thuần là một trong những mô hình kinh tế điểm của huyện Quế Võ. Ngay từ những ngày đầu triển khai, Hội Nông dân huyện Quế Võ đã chỉ đạo Hội Nông dân xã Đức Long hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để mô hình nuôi thỏ của anh Thuần phát triển như hiện nay, nhất là hỗ trợ cho vay 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện để anh Thuần có thể mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển thêm đàn thỏ giống.
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thuần luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại địa phương, thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân xã, huyện triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ các hội viên nghèo phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức như chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo việc làm cho các lao động trên địa bàn.
 
Bằng sự nỗ lực và cố gắng không ngừng, Hợp tác xã chăn nuôi thỏ Nhật – Việt của anh Thuần vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
T.M