Giữ gìn và phát huy giá trị bảo vật Quốc gia trong cộng đồng

09/04/2021 09:00

(BNP) - Hiện nay, Bắc Ninh có 13 bảo vật Quốc gia. Đây là những hiện vật hội tụ những tinh hoa văn hóa của từng thời kỳ lịch sử, gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Đa dạng, phong phú về loại hình, mỗi bảo vật Quốc gia đã và đang cần thêm nhiều sáng kiến, giải pháp để gìn giữ, phát huy giá trị một cách hiệu quả.

Bảo vật Quốc gia 12 Bia Tiến sỹ Văn Miếu Bắc Ninh.

Qua 9 đợt xét công nhận bảo vật Quốc gia từ năm 2012 đến nay, Bắc Ninh có 13 bảo vật Quốc gia. Về chất liệu của bảo vật Quốc gia được tạo tác bằng gỗ và đá. Trong số đó, bảo vật “Bia Xá lợi tháp minh” được bảo vệ, bảo quản tại Bảo tàng Bắc Ninh, còn lại 12 bảo vật Quốc gia được bảo vệ, bảo quản tại các di tích. Đây được coi là tài sản vô giá không những có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học, các bảo vật Quốc gia còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế…

Thực tế hiện nay, hầu hết bảo vật trên địa bàn tỉnh được giao cho Ban quản lý di tích địa phương quản lý, vì vậy, chế độ bảo quản của một số bảo vật sau khi được công nhận vẫn chưa có nhiều thay đổi so với trước kia. Hơn nữa, mỗi bảo vật có đặc thù khác nhau, trong khi việc bảo quản hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện của các địa phương, di tích, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xuống cấp, mai một và khó phát huy giá trị một cách trọn vẹn. Ngoài một số bảo vật đang được lưu giữ tại di tích Quốc gia đặc biệt có hệ thống camera giám sát, bảo vệ thường xuyên, nhóm bảo vật bằng chất liệu gỗ đang đối diện với nguy cơ hư hỏng, xuống cấp, mối mọt, mất đi tính nguyên trạng; nhóm bảo vật bằng chất liệu đá có niên đại hàng nghìn năm vẫn chưa có phương án bảo vệ phù hợp như Bộ tượng 10 linh thú chùa Phật Tích hay Cột đá chùa Dạm…

Để tăng cường công tác bảo quản, phát huy giá trị bảo vật Quốc gia, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật Quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu chủ động báo cáo và thông tin kịp thời tới cơ quan chức năng về những vấn đề ảnh hưởng đến việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể trong việc bảo quản và phát huy giá trị bảo vật Quốc gia đảm bảo theo quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản.

Lan tỏa giá trị của bảo vật Quốc gia trong cộng đồng là mong muốn chung của những người làm công tác gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuân thủ các quy trình thẩm định, lưu giữ theo quy định. Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện phân loại chất liệu để thuận lợi cho việc kiểm kê, bảo quản bảo vật. Đồng thời mời các chuyên gia có kinh nghiệm hướng dẫn quy trình bảo quản, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xuống cấp của bảo vật.

Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng Phòng Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Bảo vật Quốc gia đòi hỏi một chế độ bảo vệ và bảo quản đặc biệt, do đó, ngành Văn hóa phối hợp với các địa phương có di tích, bảo vật Quốc gia thường xuyên kiểm tra, kiểm kê bảo vật Quốc gia theo định kỳ. Trong trường hợp phát hiện bất thường, phải báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền gần nhất để kịp thời xử lý, giải quyết. Bên cạnh đó, khẩn trương tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách dành riêng cho việc bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu bảo vật gắn với hoạt động du lịch. Xuất bản các ấn phẩm chuyển tải thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật Quốc gia.

Bia Xá lợi tháp minh có niên đại cổ nhất Việt Nam đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Nhờ thực hiện công tác quản lý, bảo quản, các bảo vật Quốc gia đã và đang phát huy giá trị lịch sử, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời, đảm bảo quyền hưởng thụ văn hóa của người dân. Ngành Văn hóa đã thực hiện phiên bản các bảo vật Quốc gia với tỷ lệ 1/1 và trưng bày, quảng bá, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh để khách tham quan đến thăm, tìm hiểu. Tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề giới thiệu về di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh, trong đó có bảo vật Quốc gia; xuất bản sách “Bảo vật Quốc gia tỉnh Bắc Ninh”. Nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các bảo vật Quốc gia trên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh cũng như tăng cường tập huấn cho đội ngũ thuyết minh viên những kiến thức chuyên sâu về bảo vật Quốc gia, nhằm phục vụ tốt khách tham quan, nghiên cứu về bảo vật.

Bia Xá lợi tháp minh là một trong những bia có niên đại cổ nhất Việt Nam, hiện đang trưng bày, bảo vệ, bảo quản tại Bảo tàng Bắc Ninh. Công tác bảo quản Bia luôn được quan tâm chú trọng, Bảo tàng tỉnh đã đầu tư kinh phí đóng tủ bảo quản, lắp camera bảo vệ 24/24 giờ, đảm bảo an toàn, thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ; bảo quản vệ sinh bụi bẩn, chống mối mọt, ẩm mốc… Bia được trưng bày tại vị trí trung tâm nhà trưng bày bảo tàng.

Đối với 12 Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh - nơi lưu danh gần 700 vị đại khoa của xứ Kinh Bắc, dựng năm Kỷ Sửu, niên đại Thành Thái – 1889, với chất liệu là đá, có khối lượng lớn, được bố trí trang trọng tại 2 nhà bia. Ban Quản lý di tích tỉnh đã phối hợp với các chuyên gia tổ chức dịch bia để người dân, du khách thuận lợi tham quan, tìm hiểu. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, quảng bá giá trị bảo vật Quốc gia để nhân dân và du khách thập phương hiểu rõ hơn về ý nghĩa, giá trị lịch sử của bảo vật.

Mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ đặc sắc qua mỗi thời kì lịch sử, bảo vật Quốc gia không chỉ khẳng định sự giàu có về văn hóa mà còn hội tụ những tinh hoa trí tuệ của các bậc tiền nhân. Chính vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn bảo vật Quốc gia là việc rất cần thiết. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, thì rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Bởi chỉ khi được lan tỏa vào đời sống xã hội, được "sống" trong tiềm thức cộng đồng thì giá trị của bảo vật Quốc gia mới thật sự phát huy xứng tầm, mới có thể trường tồn và trao truyền được đến muôn đời sau.

13 bảo vật Quốc gia của Bắc Ninh gồm: Cửa võng đình Diềm; Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh; Tượng phật Adiđà (chùa Phật Tích, huyện Tiên Du); Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay (chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành); Bia “Xá Lợi Tháp Minh” (Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh); Rồng đá (Xà thần) (đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình); Ba pho tượng Tam Thế (chùa Linh Ứng, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành); Bộ tượng 10 linh thú Chùa Phật Tích (xã Phật tích, huyện Tiên Du); Cột đá chạm rồng chùa Dạm; Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu (Chùa Dâu, Chùa Phi Tướng, Chùa Dàn, huyện Thuận Thành); Bộ tượng Phật Tam thế chùa Bút Tháp, Hương án chùa Bút Tháp và Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành).

 

H.H