Mộ và Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức - Nơi giáo dục truyền thống của một gia tộc tiêu biểu
(BNP) - Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức ở làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong nguyên xưa vốn là ngôi nhà ở của cụ Nguyễn Duy Thức, khởi dựng từ thế kỷ XVIII, được làm trước khi cụ đỗ Tiến sĩ vinh quy về làng. Trải qua thời gian, Đền thờ bị xuống cấp, năm 2003 con cháu trong gia tộc đã cùng nhau tôn tạo Đền thờ ngày một khang trang.
Cổng vào Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức.
Góc sân trong Đền thờ.
Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức.
Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức, sinh năm Giáp Dần (1734). Năm 30 tuổi đỗ Hội nguyên, vào thi Đình, đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Quý Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24, đời Lê Hiển Tông (năm 1763). Ông làm quan đến chức Hàn lâm thị chế, hành trấn thủ Hưng Hóa.
Đền thờ có kiến trúc kiểu 4 mái đao cong.
Bờ nóc đắp cuốn thư khắc 4 chữ Hán “Nguyễn Duy từ đường”.
Đền thờ nằm ở giữa làng Vọng Nguyệt, kiến trúc 1 gian 2 chái, hình chữ Đinh, kiểu 4 mái đao cong, bờ nóc đắp cuốn thư khắc 4 chữ Hán “Nguyễn Duy từ đường”, phía trước có một dãy hiên nhỏ chạy dài suốt 3 gian, hai bên tường hồi xây cột trụ trang trí lồng đèn cánh phong và hai đôi câu đối cổ.
Đền thờ ba gian, cửa bức bàn bằng gỗ lim.
Bia đá khắc tiểu sử và công trạng của Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức ngoài sân Đền thờ.
Nhà thờ có cửa mở ba gian kiểu bức bàn bằng gỗ lim, hai bên hồi trổ cửa hình chữ nhật. Toàn bộ kết cấu công trình làm bằng gỗ xoan vững chắc.
Tiền đường liên kết bởi 3 hàng cột dọc, 4 hàng cột ngang, kết cấu vì theo kiểu con chồng giá chiêng, dưới hai câu đầu gian giữa nhô ra 4 đầu dư chạm rồng, trên các con chồng, bẩy hiên đều chạm hoa lá cách điệu. Hậu đường kiến trúc quá giang gác tường.
Gian tiền đường Đền thờ.
Tượng thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức.
Các đồ thờ có niên đại thời Nguyễn hiện còn được lưu giữ trong Đền.
Trong Đền thờ hiện còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu như: khám thờ, bài vị, hương án, kiếm thờ, hòm sắc… đều có niên đại thời Nguyễn; 01 tượng thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức, đỉnh hương, giá văn, đôi hạc thờ, bộ bát biểu, câu đối, hoành phi… có niên đại thế kỷ XX.
Cổng vào khu lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức.
Mộ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức.
Mộ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức nằm ở cánh đồng ngoài, cách Đền thờ khoảng 1,5km, có kiến trúc chồng diêm 3 tầng 12 mái, bằng chất liệu hiện đại.
Bức bình phong trong khuôn viên khu lăng mộ.
Họ Nguyễn ở làng Vọng Nguyệt lấy ngày mùng 4 tháng Chạp hàng năm làm ngày giỗ Tổ. Hàng năm, vào ngày giỗ tổ, tại đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức, dòng họ lại tổ chức dâng hương bái yết tổ tiên. Đồng thời, tổng kết công tác khuyến học, biểu dương khen thưởng các gia đình, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, học sinh, sinh viên đạt loại giỏi trong học tập, thi đỗ đại học, được cấp bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ…
Bằng công nhận di tích Mộ và Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức.
Di tích Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức đến nay vẫn giữ vai trò là nơi giáo dục truyền thống khoa bảng, hiếu học của một gia tộc tiêu biểu. Mộ và Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 1263/QĐ-BVHTTDL, ngày 26/4/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.