Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển

11/03/2021 11:26

(BNP) – Đây là 1 trong 6 nội dung giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Mục tiêu của Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Theo đó, Nghị quyết đưa ra kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm 6 nội dung, giải pháp chủ yếu gồm: Quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; về phát triển kinh tế biển, ven biển; về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Trong đó, về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển, Kế hoạch nêu rõ, bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục tại các hải đảo. Đảm bảo cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, hải đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển, bao gồm cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế và nguồn kinh phí hoạt động. Duy trì, phục hồi và phát triển các lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa; bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên, duy trì, phát triển các trung tâm văn hóa đặc trưng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. Đồng thời, triển khai thực hiện việc giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, khả năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học…

Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết này; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW để báo cáo Chính phủ.

Bộ TN&MT là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết này; định kỳ 5 năm hai lần tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp đã đề ra từ diễn đàn lần trước và thảo luận, đề xuất các định hướng chiến lược, giải pháp mới với kết quả và thời hạn hoàn thành cụ thể theo yêu cầu của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ…

N.N